Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Lu Lu – Nguyễn Đức Thiện

Lu Lu – Nguyễn Đức Thiện

720
0

RadioPlus.vn – Con chó phòng bên cạnh lại sủa. Tiếng sủa của nó nghe mà ghê hồn. Hình như nó căng hết lồng ngực, nén tiếng cho vọt ra khỏi cổ họng. Lâu lâu, nó ngưng lại, thay vì sủa tiếp nó lại rít lên. Tiếng rít của nó vẻ như ai oán, nghe riết róng.

Thường ngày Quảng phải lấy hai cục bông gòn nút lỗ tai lại. Hai cục bông gòn thật to, còn thêm cả chiếc khăn bông quấn vòng quanh đầu để lỗ vành tai gấp lại che thêm chút ít khiến cho tiếng sủa của con chó giảm bớt đi chút ít.

Nhà Quảng cách phòng trọ này không xa. Nhưng anh không về mà thuê căn phòng này để làm việc. Công việc của một người nghiên cứu về dân số học. Khi đến đây anh yêu cầu ông chủ nhà trọ cho anh thuê căn phòng nào cách biệt một chút, ở trong sâu một chút, càng yên lặng càng tốt.

Thì căn phòng số 11 này của anh đã sâu, đã xa rồi đấy. Nhưng gặp phải con chó. Tối nào cũng làm vài giờ ông ổng sủa. Chủ của con chó là một cặp vợ chồng còn trẻ. Nghe nói hai người cưới nhau đã lâu mà không có con. Anh chồng cao ráo, khoẻ mạnh, vâm váp. Cô vợ thì ngược lại, nhỏ quắt, ốm tong teo. Ngực không thấy mà mông cũng chẳng nhô cao hơn lưng bao nhiêu. Hai mắt cô lúc nào cũng thâm quầng như người khóc nhiều. Cặp môi thì xám ngoét. Người ấy, xem ra đường con cái không mấy dễ dàng. Mà sao họ lại thành đôi lứa được, mới lạ. Không con, nên họ nuôi một con chó cho vui.

Chẳng ai biết họ cưng con chó như thế nào. Nghe đâu, khi nằm ngủ, họ cho con chó nằm vào giữa. Hai vợ chồng hai bên ôm choàng lấy chó mà ngủ. Chuyện trong phòng ngủ người ta làm sao mà biết được. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe thì đủ cho thấy họ quý con chó như cục cưng vậy. Lâu lâu, vợ đi sau, chồng đi trước cõng chó dạo dọc đường hẻm nơi có khu nhà trọ này. Có khi chó ị xong chẳng thấy lau chùi gì, người vợ ẵm nách con chó mang nó về nhà. Con chó vì thế mà không khi nào rời chân hai người. Nhưng dạo này hai vợ chồng kia có công chuyện gì  đó phải đi đến khuya mới về. Trước khi đi, họ nhốt con chó ở trong phòng. Thế là con chó bắt đầu lên tiếng.

Những người trong khu trọ bảo: con chó nó trách chủ bỏ rơi nó, coi thường nó. Đấy, cứ xem cung cách nó sủa thì biết, lúc nó ông ổng thế kia tức là nó đang giận, la choang choác. Còn lúc nó rên rỉ thì đúng là nó đang ai oán, trách thân phận làm chó của nó và trách luôn ông chủ bà chủ của nó.

Mọi khi hai cục bông gòn có thể làm cho Quảng có thể chịu đựng được tiếng con chó sủa. Nhưng hôm nay thì không thể. Anh vừa đi làm một chầu dựa mận, luộc,  với gần ba xị rượu đế với một anh bạn. Rượu làm anh chếnh choáng, vì thế chỉ nghe tiếng con chó tru lên một cái là anh choáng váng mắt mày. Anh trút bỏ chiếc quần dài, để nguyên chiếc áo đang mặc trên người, lên phía trước tìm gặp ông chủ nhà trọ.

Chủ nhà trọ ấy có tên là Vũ. Trông anh ta chẳng có dáng vẻ gì là ông chủ cả. Thấp đủn. Mái tóc đã bạc, để dài phủ xuống đến vai. Không mấy khi thấy anh mặc chiếc quần dài, lúc nào cũng chiếc soọc lửng xuống qua gối, còn áo thì lúc nào cũng buông rủ xuống gần đến đầu gối. Quảng được ông ta lưu ý lo sắp đặt phòng ở theo ý muốn vì họ đã từng là bạn từ thuở hàn vi. Hồi đó, Vũ còn làm trong một cơ quan nhà nước.

Còn Quảng thì mới đến xứ này kiếm việc làm. Nơi anh muốn đến chính là cơ quan của Vũ, nơi có liên quan đến dân số học. Ngay ngày đầu tiên, Quảng đã gặp Vũ, không hiểu sao, hai người có thể thân thiết ngay từ buổi đầu. Họ kéo nhau ra cái quán nhỏ ở cổng cơ quan Vũ. Một con khô các đuối, thêm ít xoài bằm nhiễn, chén nước tương, thế là nhậu. Cuộc nhậu hôm ấy cho Quảng một sự lựa chọn là không xin vào cơ quan mà Vũ đang làm. Nó phức tạp lắm. Có mấy ngoe hà, mà chẳng ai chịu ai. Ai cũng muốn làm thày, chẳng ai muốn làm thợ cả, ông mà về đó, chắc ông sống không nổi một năm, rồi lại phải chạy tìm việc nữa.

Sau này, khi ổn định công việc ở đây rồi Quảng mới thấy lời khuyên ấy là chính xác. Ngay Vũ chỉ sau đó ít năm, cũng xin nghỉ việc về làm ăn tự do. Ban đầu chỉ là bán quán cà phê nho nhỏ. Người ta đúng là có số thực. Có lúc vắt mũi đút miệng không đủ ăn, còn bây giờ Vũ giàu thì không bằng ai, nhưng cơ ngơi của Vũ cũng ít ai có được. Cảm ơn đổi mới, những nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở xứ này ngày càng đông. Những cơ sở sản xuất công nghiệp mỗi ngày mỗi nhiều. Công nhân ngày càng nhộn nhịp hơn. Mà đã là công nhân thì bao giờ cũng là người tứ xứ đến. Họ không chỉ làm công ăn lương, họ còn cần chỗ ăn, chỗ nghỉ. Vũ làm cả hai dịch vụ này.

Bây giờ anh thầu nấu cơm cho công nhân ở ba xí nghiệp. Hai của Hàn Quốc, một của Đài Loan. Mỗi ngày tính ra phải vài ngàn xuất ăn trưa, ăn tối. Anh tính luôn cả dịch vụ nhà trọ cho công nhân. Hai khu nhà trọ mở ra, một khu cho công nhân cách nơi ở của anh tới gần hai chục cây số, và khu nhà trọ này dành cho những người không nhà hoặc những người lên thị xã kiếm việc chưa có. Loại nhà không có bục nằm, mười sáu mét vuông anh chỉ lấy có hai trăm ba mươi ngàn một tháng cả tiền điện nước. Còn như phòng có bục nằm như Quảng ở giá cao hơn cũng chỉ gần 300 ngàn đồng.

Máu làm ăn của Vũ có lúc như sự huyễn hoặc vậy. Anh đã từng mở cả một khu nhà hàng kiểu nhà hàng sinh thái. Nhưng sau đó chào thua vì nơi anh mở khá bất tiện cho việc đi lại. Chỉ nguyên việc xuống đó phải đội nón bảo hiểm cũng làm cho người ta ngại rồi. Anh đóng cửa chuyên chú vào việc nấu cơm cho công nhân và cho thuê phòng trọ.

E, tôi không cho thuê giờ hay qua đêm đâu nghe – anh giải thích ngay với Quảng khi Quảng ngỏ lới muốn thuê một phòng của Vũ. Ai thuê phòng của tôi là phải có giấy tờ đàng hoàng. Ngay cả vợ chồng đến thuê cũng phải trình đủ giấy tờ, có hợp pháp mới cho thuê. Làm ăn kiểu thuê giờ, hay thuê qua đêm nó làm sao ấy. Không yên tâm. Ông quen rồi thì thôi khỏi giấy tờ. Nhưng người khác hả, tôi phải nhìn cho được tấm giấy chưng minh nhân dân, tôi mới cho thuê. Riêng ở chỗ này, Vũ có mười sáu phòng. Tiền thuế mất đứt một phòng trong một tháng. Số còn lại là phần thu nhập của Vũ… Xem ra, Vũ là người thức thời.

Trở lại chuyện con chó. Vì nó mà Quảng phải bỏ phòng ra tìm Vũ. Cũng tính ngồi tán dóc một lát, chờ chủ con chó về mở cửa ra, nó hết sủa là về ngủ, hoặc ráng làm thêm chút ít công việc. Vừa thấy Quảng, Vũ hỏi ngay:

– Có chuyện gì thế, ông Quảng.

– Ông xem, nói với cậu phòng kế chỗ tôi, đi đâu thì thả con chó ra. Nó sủa hết chịu nổi rồi. Đinh tai, nhức óc kinh khủng…

Vũ đổ quặu ngay:

– Tôi còn bực nữa là ông. Tối hôm qua là tôi đã muốn nói rồi. Thế mà hôm nay vẫn như thế… Tức chết đi được…

Hoà vợ Vũ từ trong nhà bước ra:

– Nhốt vào cũng la, thả ra cũng la. Người ta biết làm sao bây giờ?

Vũ nghe vợ nói cũng nhẹ nhàng:

– Ở đây bây giờ người ta đang bắt chó thả rông. Thả ra nó sợ người ta bắt mất đó.- Chỉ được một câu ấy, Vũ lại đổi giọng- Nhưng mà ở nhà trọ mà lại đi nuôi chó.

Hoà lại lên tiếng:

– Anh coi đó, người ta cưng nó như thế, bây giờ biểu người ta làm sao?

Vũ bỗng buông một câu vẻ cộc cằn:

– Muốn có cái ôm ấp thì đẻ con ra mà ôm ấp. Đi ôm ấp chó là làm sao?

– Đẻ được thì người ta đã đẻ rồi, không đẻ được mới khổ chớ.

– Làm sao không đẻ được. Con nhỏ xóm bên đó, ốm yếu khác gì vợ nó đâu vẫn cứ đẻ đó…

– Thôi đi ông ơi, ông đi mà chỉ cách cho người ta đẻ coi…

Vũ bỗng bật cười:

– Không dám đâu. Một lũ đó chưa đủ sao còn xúi…

Hoà liếc xéo chồng một cái thật dài. Tưởng rằng vợ chồng nhà này giận nhau đến nơi, ai dè sau đó cả hai lại cười trừ, vẻ rất thân thiết. Vũ quay sang Quảng:

– Trên đời này, hiếm có người đàn bà như bà xã mình đó…

Hoà cướp lời:

– Thôi ông ơi. Nịnh vừa thôi. Sắp chết với ông đến nơi rồi. Nghe ông ngọt ngào là tôi phát hoảng…

– Thế thì ai biểu em lấy tôi làm chồng.

Lại một cái liếc xéo sau đó lại là một nụ cười của cả hai.

Quảng biết hoàn cảnh của hai người. Vũ có số đào hoa. Đến Hoà là người vợ thứ ba. Người thứ nhất sinh vài đứa con xong sinh chuyện bất hoà. Thế là chia tay. Người thứ hai, có thêm vài đứa con nữa, lại cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chia tay. Đến Hoà, thêm hai đứa một trai, một gái nữa. Nếu tất cả những đứa con của các bà trước theo mẹ, chắc Vũ sẽ chịu cái tiếng thằng đàn ông vô trách nhiệm.

Nhưng không, những người đàn bà kia rồi cũng phải có cuộc sống riêng, thế là tất cả những đứa con tập trung về với Vũ hết.  Anh dang tay đón không xót đứa nào. Cuộc sống vì thế mà có lúc tưởng như không mở mắt ra được. May mà có Hoà. Hoà không một tiếng phàn nàn, không một lời ngăn cản. Những lúc bức bách vì sống quá khó, Hoà cũng rức lác om xòm. Nhưng Vũ biết, Hoà có rức lác đi chăng nữa cũng vì thương mấy đứa nhỏ thôi. Anh không bênh vực đứa nào hết.

Không những thế, anh còn phụ chuyện quở mắng để những đưa nhỏ phải kính phục Hoà như mẹ của chúng vậy. Sáu, bảy đứa con, nhà Vũ lúc nào cũng đông đúc, chộn rộn. Vì thế mà cả Vũ và Hoà đều phải buông tay này, bắt tay kia lo làm, lo ăn. Người hiểu Vũ thì không nói năng gì, người không hiểu tưởng vợ chồng Vũ lo làm giàu. Chao ôi, miệng ăn núi lở, được như hôm nay đã là phúc ông bà để lại rồi. Giàu ư, chắc phải đến lúc tất cả sắp nhỏ có công ăn, chuyện làm đã. Nhưng đến bao giờ. Vũ không biết, Hoà cũng không biết, bây giờ cứ lo làm ăn cái đã.

Hai người đẩy đưa câu chuyện , còn Quảng vẫn chưa quên chuyện con chó. Anh khó khăn:

– Thương chó hả. Nhưng cũng phải thương người với chớ. Ai cũng có công việc. Ban ngày lo chạy đôn chạy đáo. Ông coi đó. Trong nhà trọ của ông, người thì đi làm thuê, người chạy xe lôi, có cả người làm thuê cho ông nữa. Quần quật suốt ngày. Tối đến về mong được nghỉ ngơi. Thế mà nó sủa như thế kia hỏi nghỉ làm sao được chớ…

Vũ bị kích động, anh đứng ngày dậy chạy vòng qua cổng phía bên dãy nhà trọ đập cửa một người miệng là bải hải:

– Cô về nói với vợ chồng nó làm sao thì làm, đừng để cho con chó nói sủa như thế nữa. Chịu hết nổi rồi. Muốn nuôi chó thì mang đi nơi khác nuôi…

Anh quay về. Hoà hỏi:

– Anh la ai thế, vợ chồng nó có nhà đâu mà la.

– Thì nói với chị nó, mai chị nó nói lại với vợ chồng nó. Biết lúc nào nó về mà nói…

Hoà lặng thinh không nói gì thêm. Vừa lúc đó, có người tìm đến. Vợ Hoà ngước lên và xụ mặt nói với người ấy:

– Thấy mày là tao rầu rồi. Tao bây giờ chỉ còn có vài trăm ngàn. Mà tao còn nợ mày bao nhiêu?

– Hơn hai triệu…

– Trời đất. Bây giờ mày có chẻ xác tao ra, tao cũng không có. Mà thịt heo lên giá gì mà cấp kỳ vậy chớ. Ba rọi bữa qua còn hai mươi bốn ngàn, hôm nay lên tới hai bảy ngàn… tao chắc chết quá. Thôi, tao đưa trước mày năm trăm, còn bao nhiêu thứ bảy đến lấy, được chưa. A mà thôi, mày đưa lại tao năm chục, thứ bảy đến lấy nguyên hai triệu cho chẵn. Được không?

Chẳng biết anh chàng bỏ thịt heo cho bếp ăn nhà Vũ có bị thôi miên hay không mà vừa cười ngỏn ngẻn, vừa rút ra tờ năm chục ngàn mà Hoà mới đưa cho giao lại chủ cũ, rồi lễ phép xin về. Vũ quay sang Quảng:

– Sao? Nể bà xã mình chưa?

Hoà lại hứ một cái, liếc xéo vào mặt chồng, miệng trách:

– Lại khéo nịnh…Tôi nói lại để ông biết, con ông, con tôi là không có khái niệm trong nhà này nghe. Đã vào nhà này là con tôi ráo. Hư, tôi nạt thẳng cánh. Ngoan tôi khen hết lời…

– Ơ hay, khi không em lại mang chuyện con cái ra nói? Này báo em biết, thịt đùi hôm nay lên gần bốn chục ngàn rồi đó. Liệu đi…

– Mặc tôi với thịt heo. Ông lo làm cho xong cái bếp cho tôi đi. Khi không thì không cho nấu ăn trong xí nghiệp. Cả ngàn con người ta chứ có ít à. Ngày nào cũng chạy ra, chạy vô, mệt muốn chết.

Thấy vợ cằn nhằn, Vũ cười và cao hứng đọc:

 

Một ngày anh gặp hai cơn bão

Cơn bão của trời và cơn bão của em

Mưa của trời chỉ làm anh ướt áo

Nước mắt em làm anh chết mình ơi.

 

Hoà lại nguýt dài:

– Có bài thơ một mà bày đặt đọc hoài.

– Một bài là thế nào. Mấy chục bài của người ta. Nhưng bài này là thích nhất vì nó cho em mà…

– Thôi đi ông ơi.

Nói thế thì nói, nhưng gương mặt của Hoà hiện ra vẻ tự hào về chồng mình. Hoà vào nhà. Vũ thì thầm:

– Không có bả mình chết chắc. Ngần ấy đứa con. Lo ăn đã chóng cả mặt.

Sáng hôm sau, Quảng chưa  kịp đi làm thì có tiếng gõ cửa phòng. Quảng khoác vọi chiếc áo ra mở cửa. Thì ra là anh chồng có cô vợ còm róm phòng bên. Anh ta khẽ cúi đầu và nói:

– Em sang đây trước hết là để xin lỗi bác.

– Có gì đâu, ngồi xuống uống chén trà nóng tôi mới pha đã…

– Thôi khỏi, bác. Em không dám làm phiền bác lâu. Đêm qua khi em về, bà chị em có gọi em và cho biết con Lulu của nhà em nó sủa dữ quá làm bác và những người cùng trọ không nghỉ ngơi được. Thú thật với bác, em buồn lắm. Thương nó thì thương thật, nhưng lại làm phiền mọi người khiến em áy náy không yên. Vợ chồng em chỉ có nó hủ hỉ. Thiếu nó không biết vợ chồng em sẽ như thế nào. Suốt ngày hai đứa nhìn nhau. Nhìn nhau riết, rồi thương mấy cũng có lúc đụng chén, đụng tô. Có Lulu chúng em bận rộn hơn, nhưng không bận rộn với nó thì chẳng biết làm được cái gì. Vợ chồng em quê ở trên Tân Biên, bác ạ. Chúng em lấy nhau xong được gia đình cho hai công đất làm vốn. Hai công đất thì làm ăn gì trên vùng đất xa xôi kia. Chúng em gác chòi ở. Dạ chòi thiệt đó. Mấy cái cây rừng. Mái lợp cỏ tranh. Vách chét đất. Người như em đứng lên tưởng như đụng nóc chòi rồi. Hai vợ chồng, sáng đi, tối về. Khi cùng làm một chỗ còn đỡ. Có khi mỗi đứa mỗi nơi, tối nhọ mặt người mới về, chẳng còn kịp thấy mặt ngang mũi dọc nhau ra sao nữa. Vì thế chúng em mới đưa nhau về đây tìm việc kiếm sống. Mà quên, em đang nói về con Lulu của chúng em kia mà. Nói để bác thương. Một hôm em đi làm mướn về, bỗng thấy một con chó con bé xíu như con bọ đang nhóc nhách sủa. Tiếng sủa của nó giống y như tiếng mèo hen. Thân mình nó, lở tróc không hà. Chắc ai đó thấy nó xấu xí quá ném nó ra đường cho nó chết đâu thì chết. Em tính bỏ đi. Nhưng chỉ được có vài bước lại nghe tiếng nó nhóc nhách kêu. Đừng lòng chẳng đặng em quay lại. Em bảo nó: mày thế này, ai còn dám nuôi máy nữa. Om mày về, mày chết tao thêm mang tội. Nói xong em đứng dậy đi. Bỗng em nghe thấy một tiếng sủa rất to. To là to so với thân xác tội nghiệp của nó thôi. Hình như nó cầu cứu. Em quay lại. Thôi thì cứ đưa mày về, sống được thì may, không sống được tao sẽ chôn mày dưới gốc cây chanh nhà tao. Được không. Nó hôi hám không thể tả được.  Em bỗng lo. Không hiểu con vợ em nó có chịu nuôi không đây. Nó mà biểu em rục nó ra ngoài rừng thì… May sao, khi vừa đến nhà, vợ em thấy nó đã rên rẩm: Trời đất, nó làm sao thế này. Nó đói có phải không. Anh nấu cho em chút nước nóng, bỏ mấy cái lá lốt, lá cỏ hôi vào mà nấu, để em tắm cho nó. Bây giờ phải cho nó ăn cái đã. Vợ em đổ thêm chút nước vào nồi cơm đang sôi trên bếp, lấy cái muổng quậy mạnh. Nhựa cơm tứa ra. Cổ múc ra một chút thổi phù phù cho chóng nguội rồi lấy chiếc muổng nhỏ múc từng muổng một đút cho nó.  Vừa đút cho nó ăn, cổ vừa nói: mày đói quá thế này, ăn chút chút thôi nghe. Đừng có ham mà trúng thực chết đó con. Con chó hình như biết nghe lời. Mút vài muổng nước cơm xong, nó gục mặt xuống hai chân trước nằm thiêm thiếp. Ngày ấy chúng em vất vả lắm thưa bác. Ngày làm công đứng được có hai chục ngàn. Bữa nào làm công buổi , chỉ được có mười lăm ngàn. Vợ chồng em chắt chiu từng chút một cho cuộc sống riêng. Nhưng bỗng có thêm một con chó, mà nó lại ốm yếu như thế . Lỡ nuôi rồi thì phải ráng thôi. Không thể để nó chết được. Tối ấy vợ chồng em bàn mãi, sáng sau phải mất một công làm ra tận ngoài chợ xã mua một hộp sữa đặc có đường cho nó. Chỉ dám trích một cái lỗ con con trên nắp hộp. Tính ra phải cho nó ăn đủ trong mươi ngày. Có sữa, có nước cơm, con chó mỗi lúc một khác. Nó trơn lông, mượt da dần. Nhưng bác biết không. Hồi đó con vợ em nó mang thai. Em vui không kể xiết. Nhưng nó lại là đứa tham công tiếc việc, chẳng chịu bỏ buổi làm nào cả. Một hôm. Nó đi một đằng, em đi một hướng. Em về trễ vì có mấy ông bạn làm rẫy rủ rê làm vài ly rượu đế. Về đến nhà, thấy vợ em nằm một đống. Con chó chạy quanh rên ư ử. Em chạy vào. Vợ em nhắm nghiền mắt lắc đầu. Em cuống lên. Em càng kinh hoàng hơn khi nghe vợ thều  thào: chúng mình mất con rồi, anh ơi. Nước mắt vợ em tuôn chan hoà trên mặt. Em chẳng còn biết mình phải làm gì nữa. Thuốc thì không trữ. Bệnh viện thì ở xa. Cõng được vợ lên đến viện, chắc chết quá. Nhưng phải cho cổ ăn cái gì cho bớt mệt cái đã. An gì? Chỉ có cơm nguội với cái mẻ khô quẹt. Bỗng nhớ đến hộp sữa dành cho con chó. Em vội nấu một chút nước sôi, chế sữa ra cái chén. Với chó thì đong từng muổng, còn với cổ em trút bừa. Chén sữa sóng sánh thơm lừng khắp nhà. Em đỡ cho cổ ngồi lên. Em bảo: em cố uống cho hết chén sửa này cho khoẻ, để anh chạy ra ông lang ngoài đầu xóm, lấy thuốc cầm máu về cho em. Ráng nghe em. Vợ em lặng lặng làm theo em. Nhưng chỉ được quá nửa chén, cổ dừng. Cổ biểu em: anh cho con Lulu ( chúng em đặt tên cho nó là Lulu từ hôm đưa nó về nhà) nó uống đi. Em đủ rồi. Em la lên: em lo thân em đi đã nào. Chó tính sau. Thấy cổ xụ mặt xuống, em biết cổ không hài lòng nghe em nói vậy. Nhưng rồi vợ em nó cũng uống thêm một chút nữa và sau đó đưa chén sữa cho em, bỏ xuống dưới chân cho con Lulu liếm hết.

Anh ta nói một hơi như sợ Quảng bỏ đi mất không nge. Nhưng bỗng nhiên anh ta dừng lại, hỏi:

– Thôi chết,  bác có phải đi làm không? Em làm mất thì giờ của bác quá…

Ban đầu, quả thực Quảng cũng không mấy mặn mà với câu chuyện của anh ta. Nhưng càng sau, anh càng thấy thú vị. Anh nói:

– Không sao, anh cứ kể đi. Mà làm hớp trà nóng cái đã.

Anh ta dơ cả hai tay đón ly trà từ tay Quảng, nhấm một chút và nhăn mặt. Trà Quảng pha bao giờ cũng quặu. Anh ta tiếp:

– Chỉ một lần vợ xẩy thai là em tởn đến già. Em quyết chí bỏ xứ ra đi. Em nghe trên này, thị xã nhiều việc. Thế là em đến trọ ở đây. Không phải nhà mình cũng không sao, miễn có chỗ trú mưa trú nắng là được rồi. Em đi phụ xây, ngày công cũng được ba chục ngàn. Vợ em cũng kiếm việc làm thuê, ngày cao cũng bằng thu nhập của em, thấp cũng có được hai chục ngàn. Thế là sướng hơn ở quê nhiều rồi. Bác Vũ chủ trọ ở đây rất tốt, cũng có tháng em kiếm không ra tiền, bác ấy cho em nợ lại, trả bù dần. Cũng đỡ. Ngày rời quê, em mang theo cả Lulu lên đây. Chớ bỏ nó lại cầm lòng sao đặng. Lên đến đây rồi mới thấy mất nó như không. Em có đọc trong sách của Cao Đài. Họ viết rằng đến ngày hội Long Hoa, tức là ngày tận thế đó, người ta chết bảy còn ba. Riêng Bắc kỳ chết chín còn một. Sách họ lý giải rằng tại ngoài Bắc người ta ăn thịt chó. Ngoài Bắc không thấy, nhưng ở xứ Nam bây giờ người ta ăn thịt chó dữ lắm. Chỗ nào cũng ” Đây rồi, quán cầy tơ”, ” Nó đây rồi, cầy quay bảy món”, “Vitamin Gâu Gâu”, “Mộc tồn”. Bây giờ lại có thêm cả người Hàn Quốc sang đây nữa. Nghe nói thịt chó vào hàng quốc thực sứ họ. Bác xem con Lulu nhà em đấy, nó vào hạng nhất. Lông nó trắng đẹp như thế. Mình nó thon lẳn như thế. Mấy người quen thịt chó thấy nó chả thèm chảy nước miếng ra. Nên em sợ mất nó lắm. Nạn trộm chó bây giờ chỗ nào cũng có. Nghe đâu có cả lệnh bắt chó chạy hoang nữa. Nên ra đường không dám để nó chạy lông nhông, phải cõng, phải bế. Đi đâu xa, không mang theo được thì nhốt nó ở trong phòng. Nó khôn lắm thưa bác. Mỗi lần nó gào thét như thế, khi thấy chúng em về là nó nằm phủ phục xuống, miệng rên ư ử. Hai mắt nó lấm lét hết nhìn em lại nhìn vợ em. Nó như thấy mình có lỗi, nhưng hình như có cả những điều trách cứ chúng em nữa. Hai mắt nó ươn ướt như có nước mắt ấy. Nó hiểu ý chúng em. Hễ em giận, quát mắng vợ em, là nó chạy lại, ngồi chổm hổm trước mặt em, hai mắt láo liêng như muốn bảo: ông làm cái gì mà kỳ vậy? Còn vợ em có buồn, giận mà khóc, nó leo lên chỗ nằm, nằm ngay cạnh, gác một chân lên ngực rồi thè lưỡi liếm vào mang tai vợ em. Nhột quá, cổ bật cười thế là hết buồn, hết giận. Lúc mới về đây, nó được ăn sau hai đứa em. Nhưng thấy tội quá, tụi em cho nó ăn cùng. Bới cơm cho nó như bới cơm cho mình ăn vậy. Ngày xưa nếu không có hộp sữa cho nó, làm sao em giữ được sức cho vợ em để chờ thầy. Thì đành là mình mua. Nhưng nếu không có nó liệu vợ chồng em có mua không?

Anh ta nhấp thêm một ngụm nước trà nữa rồi tiếp:

– Em sợ bác đi làm, lát không gặp được. Nên em chào bác trước. Em mong bác thật thông cảm cho em vì con Lulu nó làm phiền bác bấy lâu nay. Nói như bác Vũ là phải, ở nhà trọ không thể nuôi chó. Nên chúng em phải đi.

– Anh tính đi đâu- Quảng hỏi.

– Chắc lại phải về Tân Biên thôi bác ạ…

Nói xong câu ấy, anh ta đứng ngay dậy, bỏ ra khỏi cửa, không chờ Quảng nói thêm câu gì, như sợ bị ngăn cản lại vậy.

Chiều ấy, đi làm về Vũ kêu Quảng ra ngồi ở cái bàn đá trước sân nhà anh. Anh rầu rầu nói:

– Thế là cậu ta đi rồi.

– Ai? Đi đâu?

– Ai nữa. Cái cậu nuôi chó trong phòng trọ ấy. Cản sao cũng không được. Cậu ấy bảo không muốn vì con chó mà làm phiền đến ai. Khổ thế. Nhìn vợ chồng cậu ta ra đi, không hiểu sao, cổ tôi cứ nghèn nghẹn muốn khóc. Chẳng có gì cả. Chồng một cái bòng. Vợ một cái bòng. Tài sản nằm cả trong ấy. Chồng đi trước, con Lulu ngồi ngay trên cái bòng đeo sau lưng cậu ta. Vợ chồng cậu ấy có một đứa con chắc phải được cưng chiều nhất xứ.

Anh im lặng một hồi bỗng nói như một bậc hiền triết:

– Này, ông có tin cuộc sống này chỉ là sống tạm không. Nhà Phật người ta bảo thế mà? Cõi Niết bàn mới là cõi sống vĩnh hằng. Tôi một bầy con nheo nhóc vất vả đã đành. Chắc là kiếp trước tôi nợ nhiều lắm thì phải. Còn cậu ta, con cái không có, mà lại vất vả chì vì một con chó. Chẳng hiểu ra làm sao cả…

Nghe Vũ nói, Quảng cũng thấy cay cay sống mũi. Giá mà anh đừng phàn nàn. Giá mà anh nút lỗ tai bằng cục bông gòn lớn hơn, hay chụp cái hecphon vào mà nghe nhạc, thì anh ta đâu phải ra đi như thế.

Bẵng đi vài năm sau, Quảng mới lại về thăm Vũ. Vợ anh đã thông cảm, bỏ tiền xây cho anh một căn nhà nhỏ ở một xóm vắng. Ở đó anh có thể làm mọi việc theo ý thích của mình. Vũ chẳng khác mấy năm trước bao nhiêu. Tóc tai vẫn bụi bụi như thế. Vẫn chiếc quần soọc lửng chùm đầu gối, chiếc áo dài thõng thượt chùm qua gối. Thêm mấy chiếc răng từ bỏ anh mà đi, chỉ làm cho gương mặt anh từng trải hơn. Vợ Vũ làm cho chúng tôi một tô bò kho. Lúc cúm gia cầm thế này mà cô vẫn luộc cho chúng tôi một con gà mái tơ, da vàng xuộm. Rựơu ngà ngà, Vũ bỗng hỏi:

– Ông Quảng này, ông còn nhớ cái cậu nuôi chó ở nhà trọ tôi hồi trước không?

– Nhớ chớ. Sao rồi, ông có tin tức gì về họ không?

– Hai đứa chia tay rồi.

– Trời đất, sao vậy?

– Cũng vì cái con Lulu ấy. Mà cái số nó phải vậy. Ở đây, hai đứa nó làm ra tiền nên bữa cơm có cá có thịt. Khi về đến quê, nào có gì ngoài rau rác với mắm, khô quẹt. Nó giận lẫy không chịu ăn, nhịn đói mấy ngày trời. Vợ chồng lại phải mua sữa cho nó uống. Sữa nó cũng không thèm uống. Anh chồng giận đá nó một cái. Nói đá cho mạnh, chớ chỉ hất một cái nhẹ thôi hà. Ai dè trúng ngày chỗ hiểm. Nó hức lên một tiếng rồi chết. Vợ nó khóc như nhà có đám. Thì chỉ là một con chó thôi chớ gì lớn lao đâu. Cách đây mấy ngày, cậu ấy có xuống đây thăm tôi. Nom như Miên ấy, đen thui lui hà, gầy và già đi nhiều. Mới có mấy năm thôi. Hôm ấy, cậu ta cũng nói như tôi vừa nói ấy. Chỉ là con chó thôi mà. Nhưng rồi cậu ấy nói thêm: chúng em không con, không cái. Sau cái lần xẩy thai kia vợ em không thể sinh đẻ được nữa. Bấy lâu nay có con chó ở kề, vợ thương, chồng thương, chồng chăm vọ bẵm, quên được bao nhiêu thứ trên đời. Lúc nó chết rồi mới thấy ở khoảng giữa hai đứa chẳng có gì làm cầu nối cả. Vợ thui thủi đi làm. Chồng thui thủi đi làm. Tôi về hai đứa thui thủi ngồi hai bên mân cơm, chẳng đứa nào nói với đứa nào được một câu. Có gì đâu mà nói.Thì đành vậy, làm sao bây giờ. Ở chung cũng thầm lặng, thì thà ở riêng ra cho xong. Bọn em chia tay nhau rồi. Nghe cậu ấy nói mình thảng thốt không nói được với cậu ấy câu nào nữa. Ông Quảng này, giá như hồi đó cậu ấy đừng đi, chắc con chó đâu có chết hả. Cái con Lulu ấy…

Vũ buông một tiếng thở dài, khiến Quảng cũng phải thở dài theo… Ngay cả Quảng cũng không biết mình đang nghĩ cái gì nữa.

Ôi … cái con Lulu…

Tác giả: Nguyễn Đức Thiện – Thực hiện: Đình Khánh

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcGiọt Máu Oan Nghiệt
Audiobooks tiếp theoNẻo Khuất – Nguyễn Trung Thành
Đình Khánh tên thật là Nguyễn Đình Thiệu, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Đầu năm 1980, nghệ danh Đình Khánh xuất hiện trên sóng, khởi đầu cho một sự nghiệp mà chàng trai xứ Đoài gắn bó đến nay đã 30 năm.....Lưu Ý: Phát thanh viên Đình Khánh không tham gia công tác, làm việc và viết bài trên Radioplus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here