Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Nước Trong – Lê Minh Khuê

Nước Trong – Lê Minh Khuê

1151
0

Truyện đêm khuya – Cả nhà. Ông bà nội. Cha và mẹ. Thời ấy phong trào kinh tế mới xây dựng miền núi kéo tất cả lên đó khi ông nội mới mãn hạn quản thúc. Một tội gì đó thuộc sách vở thuộc chủ nghĩa thuộc các vấn đề rối tinh thời đại. Ông nội chết tâm trạng vẫn như đá đeo. Mấy gánh sách từ thành phố lên xếp trong xó lại bị mối xông mục nát tan ra như bụi. Ông nội nằm trên giường bệnh mắt đăm đăm nhìn xó lán nơi xếp những tư tưởng ông tôn thờ. Nhìn đăm đăm mắt có hai giọt nước đục chảy dài xuống thái dương rồi ông thở hắt vĩnh biệt trong câm lặng. Bà nội thời thiếu nữ mặc áo ngắn không bao giờ ra khỏi nhà. Mùa đông áo khoác màu vàng bên ngoài áo dài trắng tinh bó sát thân thắt đáy lưng ong cổ đeo kiềng tay đeo vòng ngọc bích. Những năm ông nội vào trại rồi quản thúc tại gia bà nội mặc áo đại cán cán bộ tóc tết bím quấn búi to được chân nấu nước sôi ở tổ phục vụ. Khi cả nhà đi kinh tế mới bà nội trầm lặng như đêm mỗi ngày nói không quá hai mươi từ. Nhưng vùng khai hoang chứa dân tứ xứ người tù tội người nghèo khổ lại yên ổn họp hành tổ xóm không khua gươm múa đao không đe dọa không vu khống không gắp lửa bỏ tay người như ở thành phố thời ấy. Khi bà nội qua đời nhiều người cùng cảnh ngộ đưa tiễn. Ông bà nằm cạnh nhau trên đồi khô thoáng. Nhìn cỏ trên mộ đã thấy sạch.

Câu chuyện đó bố nói với Bảo. Cô con gái duy nhất. Xinh đẹp như sinh ra trong màu hồng hạnh phúc. Có lẽ được dòng máu chảy từ ông nội tinh khôi và cao sang nên mắt thì sáng da thì mịn khi cười như có mặt trời tỏa từ trong ra. Cha nhìn vẻ đẹp của con thở dài rồi bảo bố khi nhỏ theo ông bà lên đây. Đi học phổ thông trên huyện. Cuối tuần về nhà đeo một tượng gạo leo mấy quả đồi. Con ạ! Ông nội tiếc thương đống sách mang theo. Có một ít chưa bị mối xông bố lấy ra đọc mà mệt quá không hiểu gì. Không có sức. Làm rẫy còng lưng mấy ai đọc sách hả con?

– Sao nhà mình nghèo mãi?

– Biết được à?

– Sao bố không đi học đại học?

– Ông bảo đừng học nữa. Làm rẫy yên hơn. Nhưng con thì phải học. Bố mẹ cho học đại học. Thời đại mới! Ác quỷ ngủ dưới đất rồi. Mà không. Đành phải ngủ chứ ác quỷ thời nào chả có.

 

– Bố thì… Cứ nói như người ở cõi nào ấy…

– Phải đấy. Có lẽ bố không ở cõi này lâu!

Khi đó Bảo mười ba tuổi. Hai hôm sau bố mẹ đi xe hàng lên huyện định mua cái máy về tưới vườn cam đang lên. Trời chẳng mưa chẳng gió từ mấy hôm nhưng lũ ống như con thuồng luồng tông thẳng trên núi xuống. Cuốn cả cái xe khách xuống suối, va vào chân cầu xe vỡ tung người trên xe như lá khô trôi tung toé. Khi tìm thấy xác cả cha cả mẹ đều bị rắn nước ăn thủng mắt. Tài sản hơn chục triệu bỏ túi cha cũng mục trong nước.

Ở bên kia con đèo có một nhà. Cũng tai họa gì đấy kéo lên đây. Người cha bên ấy hay sang rủ cha Bảo đi bán sắn khô rồi mua về cho vợ con cả hai nhà từ cái dây chun đến cái khăn quấn đầu đi rẫy. Bên ấy cũng có đứa con gái tên Thanh. Người cha ôm vai Bảo mười ba tuổi xinh xắn gầy gò:

– Thôi con. Coi hai bác như cha mẹ. Về ở bên này. Bác lại có thêm một đứa ấm cửa ấm nhà.

Bảo lấy quần áo cả nhà bỏ vào rương. Lấy ảnh ông bà nội đẹp như tranh trên bàn thờ. Trong đống sách mối xông chả còn cuốn nào đọc được. Bảo đi làm con nuôi…

Những năm giá lương tiền đói xao xác miền xuôi. Miền núi còn có củ khoai củ ráy. Hai đứa con gái càng lớn càng xinh cần mẫn đi học xa. Mỗi ngày đi bộ mười cây về nhà mười cây. Năm giờ sáng bỏ nắm cơm độn khoai vào túi. Cúi đầu bấm ngón chân. Có hôm sương mù mịt đứa sau không nhìn thấy lưng đứa trước. Gió mùa đông làm hai bàn tay tấy đỏ như bị nung. Mùa hè mồ hôi vắt áo chảy ra nước. Đến lớp có hôm xơ xác như hai con dở hơi ăn xin chợ huyện. Thầy giáo trẻ giả không để ý. Học xong lại tức tốc đi về. Chiều. Hai đứa hai gùi hai cuốc. Cuốc rẫy, làm cỏ màu, có cành khô củ sót gì nhặt hết chất vào gùi, tối chất gùi lên lưng về nhà. Cha và mẹ đã người nào việc nấy và bếp lửa thì ấm. Cha kể rằng khi cha đi bộ đội đóng quân trong Khu 4 không bao giờ thấy bếp nhà người ta có lửa. Họ chỉ nấu nướng một chút buổi sáng rồi đằng đẵng cả ngày. Bếp chả có than tro. Gà cũng không có tro để bới. Cái đói cái thiếu nhiều và tràn ngập như không khí trong khi con người vẫn phải đương đầu với chiến tranh với đủ thứ tai ương…

Nghe cha nuôi nói về cái bếp không có lửa. Bảo vội lại gần bếp. Bếp miền núi có sắn để nướng. Thanh lại ngồi bên chị. Hai chị em có ba bộ quần áo lành. Mặc thay nhau xem như mới.

Lúc này ngồi nướng sắn bên bếp lại thấy mình như vậy vẫn là may.

Hết năm học cấp ba trường huyện. Hai chị em thi đại học. Thanh đỗ hai trường. Bảo thi đỗ cả ba trường.

Mẹ nuôi nhìn cha nuôi. Mẹ gầy như cây khô nhưng cười như cả mặt trời buổi sớm. Hai cô chiêu học được quá đấy! Đáng khen! Siêu thật! Cha chẻ củi góc sân chợt dừng nhìn hai con. Tiền đâu học đại học bây giờ các con? Tiếng thở dài của cha mẹ cùng như muốn nén mà không nén nổi. Rì rầm bàn tính khi đêm về khi bữa sáng quanh rổ sắn bốc khói. Cả nhà trầm lặng như những triết nhân đang suy tính một vấn đề có tính thời đại. Bảo lên tiếng trước tiên:

– Thôi học hành làm gì nhiều. Một đứa ở nhà giúp bố một đứa đi học may. Con ở nhà giúp bố!

Giấy báo đại học đến một lúc. Người cha nuôi nhìn Bảo – cô con gái bất hạnh của người bạn làm rẫy lúc này trông đẹp đến nỗi cảm thấy hoài phí thay cả sắc đẹp trời cho mà ném vào cuộc đời này. Ông đứng giữa nhà như vị tướng cầm quân và ra lệnh: Cả hai đứa cứ về thành phố học đại học. Nhưng không có trợ giúp gì. Phải tự kiếm tiền ăn. Tiền thuê nhà. Tiền học phí. Bố mẹ cho mỗi đứáa hai trăm nghìn làm vốn ban đầu. Khi nào thu hoạch hoa màu gửi thêm. Cố lên các con! Con nhà nghèo sao lại chùn bước?

Cả một núi vất vả chờ ở cổng trường đại học. Bảo tết bím tóc cho em nói thì thầm vào tai Thanh. Thôi thì đi. Chị nghe nói ở thành phố có người còn mất cả cây vàng mới vào được đại học. Đi. Có chị rồi mà!

Bố mẹ nuôi đứng trên chân dốc nhìn hai con gái hai ba lô lèo tèo vài thứ con nhà nghèo. Bố cười to che giấu xốn xang trong người: Thôi, hai đứa cố mà cày cuốc!

Ký túc xá trường đại học. Nghe nói vô khối trường đại học. Năm nào cũng vô khối sinh viên ra trường vô khối bằng nhưng ít người có nghề. Bằng với nghề là hai thứ kình nhau. Nghe nói thế!
Hai chị em được một giường tầng. Đứa trên đứa dưới. Nhà của sinh viên năm thứ nhất xập xệ cấp bốn, mười hai đứa một phòng. Bọn con gái tứ xứ gặp nhau. Vài hôm thấy đủ lệ bộ. Mỗi đứa hai cái quần bò vài cái áo phông, nhịn ăn ít hôm ép tóc nhuộm phớt vàng thế là ra người thành phố. Nhìn xa hao hao giống nhau. Giống nhau kiểu sinh nhật ngồi quanh mấy giường thò tay lấy hạt bí. Xôm một tý ra cà phê cổng trường. Xôm tý nữa rủ nhau picnic ngoại thành mang cả túi bánh mì, nước đóng chai. Các cô nàng ký túc xá đều con nhà nghèo đận đà khám phá cuộc sống phố phường. Bảo nhìn họ. Nhìn Thanh nghĩ đến trăm nghìn còn lại sau khi đã đóng tiền nọ kia mà hai chị em có hậu phương thật mong manh với cha và mẹ gầy như làn sương chiều.

Bà chủ quán cơm sinh viên cao lớn tóc nhuộm vàng rực nhìn hai chị em rất kỹ. Nhìn lại bàn tay có vẻ tin được là người quán xuyến không ngại việc. Biết là con nhà làm ăn:

– Thôi được. Tôi chọn hai cô chạy bàn giúp việc!

Nhà bà chủ tầng dưới quán cơm tầng trên bí hiểm vì ông chủ đi làm về leo tót lên đấy không bao giờ héo lánh công việc của vợ. Ông ta viên chức nhà nước hẳn hoi. Xách cặp đi xe máy đội mũ sụp xuống trán không thể nhìn rõ mặt. Bố dấm dúi bao nhiêu cậu Vĩnh con trai còn đi học cấp ba lại tươi sáng cởi mở thương người bấy nhiêu. Cậu nhìn Bảo như nhìn thấy thế giới mới lạ rồi hồn nhiên bảo nhà em ở gần trường chưa thấy ai xinh như chị mà ở ký túc xá. Người xinh đẹp chỉ ở ký túc vài tuần là có người đón đi chơi, hôm sau diện hơn cả dân thành phố, vài tuần đã có máy tính xách tay điện thoại di động đa chức năng, vài tuần nữa là ra ngoài ở, nghe nói có chị còn được mua cho nhà riêng.

Bảo cắm cúi nhặt rau nghe cậu Vĩnh nói một thôi một hồi. Bảo ngẩng nhìn cậu bé lắc đầu: Chị không giỏi thế đâu.

– Người ta bảo người xinh đẹp là có của sẵn chỉ việc ăn.

– Không đơn giản đâu mà, cậu cả!

Bảo học sớm Thanh học chiều. Khi chuyến xe buýt thành phố đi qua ký túc xá Thanh giường dưới ngồi bật dậy. Đèn có chụp che kín để các bạn không bị động. Đã 5 giờ sáng. Thanh học bài. Hí húi viết lách trên nắp rương. Chín giờ sáng Thanh chạy ra quán. Đến giờ dọn cơm. Việc của Thanh là bưng bê. Bà chủ lắc mái tóc cắt ngắn nhuộm vàng nói to như cho cả quán nghe giọng nửa nọ nửa kia.

– Mày sạch sẽ lại khoẻ tay, nhìn thấy mày người ta ăn ngon miệng thế nào quán cũng phát triển như nền kinh tế nước nhà!

Mọi người cười ồ. Khách quen của quán ăn như ăn cơm tháng. Những người lái taxi sơ mi trắng cà vạt xanh giày da đen thường ngồi một bàn đông đến bảy tám người ồn ào ăn cơm không bia rượu. Những người thợ xây công trình hai mươi tầng cổng trường khi có tiền cũng rủng rỉnh chai bia hay ngoắc tay gọi Thanh. Em gái cho anh đĩa dưa. Lấy nhiều ngồng thật dài thật giòn… Cười rinh rích cả lũ. Thanh không dịu dàng bằng Bảo. Thanh ném vỏ hộp bia vào tường phản ứng. Bà chủ không bằng lòng. Đừng làm thế con ơi. Người ta có động đậy chân tay đâu mà sợ mất phấn… Thời này con gái nó trơ như thớt nhựa ấy đâu có dễ rung rinh như mày.

Hai chị em thương bọn sinh viên cùng cảnh. Đầu tháng rủ nhau ba bốn đứa gọi thêm món phụ cùng ăn. Giữa tháng ví mỏng ăn cơm đậu phụ dưa muối. Cuối tháng có đứa không thấy đến. Chắc nhì nhằng bánh mì xong bữa. Cả lũ lúc nào cũng đợi tiền như hạn đợi mưa. Thanh thấy may là hai chị em được nhận vào bưng bê.

Mười hai rưỡi Thanh từ quán cơm chạy về đến trường. Bảo đã học xong ca sáng. Bảo chạy ngay tới quán tiếp sức Thanh. Lúc này phải dọn dẹp. Rửa bát đĩa. Giấy ăn nhoe nhoét dưới chân. Có tay lái taxi bảo nghe nói ở nước nào đó kém phát triển nhưng người ta không thẳng tay bày bừa cái thứ vừa “quét mồm” – gã dùng cái tiếng ghê rợn đó – mà vất ngay xuống đất. Người ta kiêng. Phải vo tròn thứ “quét mồm” mà cho vào chỗ quy định. Dân mình trọng ăn hơn trọng chỗ thải. Rồi thì đời mồng thất mới sáng ra…

Bảo nhìn bà chủ mở đống cá chết mua từ chiều qua ướp thuốc gì đó mấy tiếng đã tươi lại như mới vớt dưới nước lên. Thấy Bảo chăm chỉ bà chủ tóc vàng nửa đùa nửa thật nhìn gì hả con? Không có quán cơm bụi thì rau dưa thịt cá thừa đổ làm phân. Quán cơm bụi thầu hết. Bụng dạ người ăn cơm bụi khỏe như làm bằng thép không gỉ. Chỉ dân đi xe hơi moi tiền tỷ nhà nước bụng mới yếu ăn đằng mồm ra ngay đằng đít. Trời có mắt mà con!

Bà chủ cùng đám người làm chuẩn bị bữa chiều.

Vĩnh học lớp 10 đã cao mét bảy tư nặng hơn sáu chục ký mặt bầu bầu đã lờ mờ ria mép. Ông chủ thấp hơn con trai vẫn đi làm về tót ngay lên gác. Một hôm ông chủ trật cái mũ đứng lại vài giây nhìn Thanh đang lau bát. Hôm khác ông chủ đứng lâu hơn nhìn Bảo quét nhà. Rồi từ hôm đó ông chủ về sớm hơn vì Bảo làm ca chiều. Ông chủ lại quầy lấy chai bia. Đi lên gác. Cái vẻ lì lì nhưng thu vào mắt tất tật mọi chuyện của ông có gì đó như đe dọa. Bảo không thích ông chủ. Bà chủ trông tóc vàng cao lớn tiếng sang sảng như vậy lại e dè khi thấy chồng.

Chỉ có Vĩnh hồn nhiên. Vĩnh có phòng riêng trên gác ba. Vĩnh học về thường chạy xuống quán cơm của mẹ giúp một tay. Không ai yêu cầu. Mẹ đuổi quầy quậy. Lên nhà học bài hay đi chơi đi. Ở đây quẩn tay quẩn chân người ta.

Nhưng Vĩnh thích không khí bữa ăn chiều. Của sinh viên. Của người lao động. Ăn uống rào rào. Vĩnh thích đứng cạnh nồi cơm dùng đũa cả đánh nồi cơm to rồi xới ra bát tùy theo tiền khách gọi. Thành thạo ra trò. Bà chủ dùng bàn tay thô xoa tóc cậu con trai, đùa hay là bỏ học đi về nhà quản lý cho mẹ rồi trở thành ông chủ bụng bia?

Cậu Vĩnh nhìn Bảo mắt trong như có ánh sáng bên trong. Tay Vĩnh xới cơm vào đĩa nhưng Vĩnh không ngừng nhìn chị sinh viên xinh đẹp. Cái nhìn không có vẻ là của một trẻ vị thành niên. Cái nhìn nhuốm một chút buồn.

Tất cả những điều đó ở quán cơm Bảo tinh nhanh hơn Thanh. Cháu nội của ông đâu phải ù lì.

Mỗi tháng hai chị em chạy tiếp sức quán cơm bà chủ thanh toán sáu trăm nghìn đúng ngày mồng hai tháng sau. Hai chị em tính một công vì còn phải thay nhau đi học nhưng đã trang trải đủ học phí tiền nọ tiền kia, thậm chí đã mua được quà sinh nhật vì hầu như tuần nào cũng có lời mời dự sinh nhật… Hai chị em không ăn cơm ở quán. Kiếm cái nồi cơm điện rẻ tiền bỏ ít gạo vào cắm điện ký túc để nồi gầm giường. Bạn bè biết hai đứa nghèo không ai nói gì với quản lý. Cứ thế rồi cảm thấy mình lớn lên. Rồi chịu đựng nổi cái nhìn ông chủ viên chức nhà nước ngành xã hội chiều về hay lại quầy lấy chai bia. Chịu đựng được lời mời chào đi hát với tớ tớ giới thiệu anh này siêu giàu. Chịu đựng được gã nào đó tuần nào cũng gửi tới cái thiếp ướp nước hoa “đến công ty anh giới thiệu việc làm phù hợp lương cao chót vót học làm gì cho phí nhan sắc?”. Gã nào đó khá dai nghe nói nhiều hôm đến quán cơm ăn nhưng không ra mặt…

Cạm bẫy giăng đầy. Ông ơi! Nhưng dòng máu sạch giống như dòng nước chảy từ nguồn ông ơi. Không ai ngăn được! Ông đừng lo.

Học bổng kỳ đầu ở mức một. Hai chị em ôm nhau hét toáng lên ra bưu điện gửi về cho bố mẹ năm trăm nghìn. Cuộc sống tươi lên dù mọi chuyện vẫn tuần tự. Đứa nào làm xong về ký túc xới cơm ăn với nước mắm lạc rang. Cùng lắm làm gói mì tôm chan vào cơm ăn. Tuổi mười tám là tài sản mang theo vô giá. Thấy hai đứa rạng rỡ có đứa bĩu môi: Nghèo quá giờ được thế gì chả thần tiên.

Cả phòng có hai chị em được học bổng. Thế là có mật báo về ban quản lý là điện tháng này tăng. Ban quản lý hiện thân một mẹ không cận viễn gì mà đeo kính trắng nghe nói chồng vừa trúng ủy viên hội đồng đô thị nên bần cố nông thỏa mãn liền. Mẹ này phát hiện nồi cơm điện gầm giường. Sự kiện đưa lên loa phóng thanh ký túc là vi phạm nội quy nhỡ cháy lại tốn điện.

Chuyện đến tai bà chủ quán tóc vàng. Bà nói oang oang. Không muốn phiền thì thôi mỗi tháng bớt lại mấy nghìn tiền công rồi mang bát đến lấy cơm về mà ăn đằng nào cũng một công thổi tội gì dấm dúi người ta lại bảo mình gian con nhà nghèo thì phải chịu khó ai người ta thông cảm thì tốt không thì chịu biết làm sao…

Bà chủ thuộc lớp bình dân có kiểu nói không chấm câu không văn phạm có vẻ thương hai chị em thật tình. Đành lấy mỗi ngày bốn bát cơm ở quán đem về ký túc xá ăn nước mắm lạc rang bỏ lọ. Đứa nào về trước ăn trước.

Mấy hôm rồi bà chủ có vẻ trầm lặng ít nói đi. Thường nhìn trộm Bảo khi Bảo nhìn lại bà quay đi thở dài. Thấy ông chủ viên chức nhà nước ngành xã hội đoàn thể một lần đá vào chân bà chủ làm bà này khuỵu xuống chới với. Hai vợ chồng cãi nhau gì đó. Bảo thấy dội lên cái tình thương như là vô lý với người đàn bà xốc vác tốt bụng kia cả đời phải sống với một kẻ chắc là vô dụng. Nhìn tay ông ta thấy ông ta vô dụng.

Buổi chiều muộn mai ngày lễ nên quán vắng sớm. Bà chủ từ trên gác xuống gọi Bảo: Con gái mang cho ông chủ hai chai bia hộ cô. Phòng gác hai đi thẳng vào hành lang.

Những đứa con sinh ra ở miền không khí trong sạch thường vô tư như gió. Vô tư nên dễ sống. Bảo vô tư lại quầy lấy hai chai bia. Lần đầu tiên đặt chân lên gác thấy choáng ngợp vì sự rộng rãi có phần nguy nga với đứa con gái nghèo. Ông chủ để hé cửa. Ông đứng trong góc phòng mặt nửa sáng nửa tối. Rồi ông xông tới đóng sập cửa.

– Bia của chú đây ạ!

– Rồi. Chú trả công đây. Cầm lấy!

Bảo nhìn xấp tiền dày mệnh giá trăm ngàn ông chủ giơ ra mà kinh ngạc. Bảo lắc đầu lại gần cánh cửa nhưng cửa đã khóa chặt. Ông chủ không làm gì vội. Ông chỉ muốn Bảo cầm tiền.

– Cháu không lấy đâu.

– Cứ cầm đi chú cho mà đi học.

– Thế thôi ạ?

– Thế thôi!

– Sao chú đóng cửa? Để cháu đi ra đã!

– Xem tay cháu kìa. Con gái đẹp sao hủy hoại bàn tay thế. Ngày mai chú đưa đi chỗ này xin việc cho.

– Cháu giúp cô!

– Kệ xác cô ta. Đấy không phải chỗ của cháu!

Ông ta không mở cửa. Bảo không lấy tiền. Bảo thấy ngột thở quá. Ông chủ như chờ con mồi hoảng sợ. Ông ta lại gần chộp lấy tay Bảo. Tay ông ta mềm và lạnh trơn như cá chết. Nhìn gần ông ta trẻ hơn, đểu giả hơn do đôi mắt có đuôi và làn môi mỏng dính khác một trời một vực với người đàn bà tóc nhuộm vàng. Sự đểu giả có sức thôi miên những con vật gan góc nhất. Bảo giật tay ra, ông ta tiến sát hơn. Đừng sợ. Chú chỉ cho tiền. Chú nhiều tiền. Nghèo đừng chê tiền cháu ạ. Đừng như ông nội ông ngoại giấy rách giữ lề. Rách thì xé luôn… giữ cái lề là giữ cái dở hơi.

Nói đến ông, Bảo bừng tỉnh. Có sức mạnh từ đâu đó đưa lại. Bảo quyết liệt giằng tay quyết liệt đẩy món tiền ra. Cháu không làm gì cháu lấy tiền sao được. Cho cháu ra!

Cứ cầm đi làm gì sẽ làm sau đừng dại thế!

Không hiểu sẽ có chuyện gì nếu không có tiếng cậu Vĩnh ngoài cửa. Bố ơi làm gì trong đó mà đóng cửa. Mở ra!

Ông chủ bỏ xấp tiền vào túi. Mở cửa. Bảo nhào ra vô tình ngã vào người cậu thiếu niên vạm vỡ. Vĩnh giữ vai Bảo trong tay rồi nhìn bố vừa kinh ngạc vừa như biết tỏng mọi việc. Ra đến hành lang Vĩnh vỗ về đôi vai người con gái lần đầu tiên đánh thức trong cậu cái sức mạnh lớn lao mà người đàn ông phải gánh vác, đó là ý thức chở che cho cái gì trong sạch đẹp đẽ và mỏng manh trong thế giới này. Bảo cũng cảm nhận điều đó từ cậu thiếu niên. Hai đứa nắm chặt bàn tay nhau. Ở hành lang không khí tươi mát do có cây sấu vươn cành phủ xuống mái nhà…

Nguồn: Văn Mới 2007 – 2008

Tác giả: Lê Minh Khuê

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcDù mọi thứ thay đổi, ta vẫn yêu thương nhau suốt cuộc đời
Audiobooks tiếp theoBà Tư Đất – Phùng Phương Quý
mèo con có sở thích nghe truyện, blog radio. truyện đêm khuya phát trên sóng Fm và mèo con muốn chia sẻ những truyện audio hay mà google đã được nghe và sưu tầm được tới thính giả của RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here