Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Thời gian lặng lẽ – Dương Tử Giang

Thời gian lặng lẽ – Dương Tử Giang

1091
0

Truyện đêm khuya Tác giả có góc nhìn và cách viết khá lạ về chiến tranh và người lính. Binh nhì Nguyễn Thị Hạnh ở tiểu đội nuôi quân vì thương cảm và giàu lòng trắc ẩn nên đã quyết định bế cháu nhỏ sơ sinh vô thừa nhận về nhà, nhận bé là con mình. Trái tim và tình cảm của người mẹ đã giúp Hạnh vượt qua bao trở ngại sóng gió cuộc đời. Sự lặng lẽ của thời gian ngày càng lắng đọng với những ký ức vừa đau thương vừa ngọt ngào để các thế hệ không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh hào hùng và bao hy sinh thầm lặng…


Khoảng 10 giờ sáng ngày mồng 4 Tết âm lịch năm 1972 Cả khu vực xóm Trại, nơi đóng quân của đại đội 4, tiểu đoàn 10 râm ran chuyện không hay; một cô gái đến chơi với người của đơn vị, đã bỏ đi để lại một đứa bé còn đỏ hỏn, dễ chừng mới được vài tháng tuổi… Cả đại đội rối tinh rối xòe..
Cái vẻ đẹp trai thong dong thường ngày như biến đâu mất. Mái tóc đen mượt rối bời, mướt mồ hôi trán, trông bơ phờ mệt mỏi mà vẫn còn ngơ ngác, kể chuyện mà vẫn không hiểu sự tình nó là thế nào. Câu chuyện được kể lại lỗm bỗm, không biết đâu là đầu đâu là cuối. Đại để như Phú nói: Cô ta là bạn học từ hồi phổ thông, cũng có quan hệ với nhau từ hồi nghỉ hè. Bẵng đi thế rồi sáng nay cô ta bế đứa bé đến, cứ khăng khăng nói là con anh. Em cứ tưởng nói đùa, đang ngồi nói chuyện bình thường thấy cô ta đặt đứa bé ra phản, nói là để cho nó ngủ yên rồi bảo ra ngoài xem cảnh núi đồi, cũng chủ quan không tìm ngay…

Khuôn mặt rầu rĩ, giọng nói của Phú khổ sở quá: “Các thủ trưởng bảo em phải làm gì bây giờ?”.

Kế hoạch lùng sục, tìm kiếm cô gái được triển khai tắp lự. Những là ra ga gần nhất, rồi hai ga trên và dưới. Những là đường cô ta quay lại, thậm chí cả lối đi xuôi nếu cô ta nghi binh. Những là vào từng nhà dân, chú ý cả những ao hồ, hàng quán ven đường.

Bữa cơm trưa được ăn vội vàng, toàn bộ trung đội 2 được huy động. Từng tốp 3 người được quán triệt, dặn dò kỹ càng. Lúc đi căng thẳng, hăm hở bao nhiêu, vài tiếng sau khi trở về thì đều rã rời, chán trường bấy nhiêu. Ai cũng thuộc lòng hình dáng, khuôn mặt, trang phục, thậm chí kiểu dép cô ta đi, thế mà tất thảy đều chịu thất bại, không hoàn thành nhiệm vụ. Lúc 3 giờ 15, thấy toán cuối cùng về cũng lắc đầu, đại đội trưởng dậm chân bành bạch rồi nghiến răng ken két:

– Không lẽ cô ta độn thổ?

Từ lúc cô gái bỏ đi , việc bế ẵm đứa bé được giao cho binh nhì Nguyễn Thị Hạnh, chiến sĩ gái tiểu đội nuôi quân. Đứa bé khóc ngặt nghẽo, không biết nó muốn gì, đòi gì. Chỉ thấy binh nhì Hạnh vã mồ hôi, bơ phờ không kém binh nhất Phú.

Đến 4 giờ 5 phút chiều, sau khi bàn bạc hội ý mãi, chỉ huy đại đội thấy chỉ còn mỗi cách là bế đứa bé lên tiểu đoàn, xin hướng giải quyết. Mệnh lệnh lập tức được thi hành, chính trị viên đại đội cùng Phú và Hạnh bế đứa bé lốc thốc lên đường. Tình huống hi hữu này cũng làm cho chỉ huy tiểu đoàn lúng túng không kém, chắc trong đời binh nghiệp của các anh chưa bao giờ gặp phải. Vấn đề xem chừng khó giải quyết.

Tiểu đoàn trưởng đỏ mặt tía tai khi nhìn qua đứa bé:

– Lính với tráng, tí tuổi đầu đã nhăng nhít. Cậu phải tìm bằng được và trao trả đứa bé này cho cô ta rõ chưa!

Chính trị viên tiểu đoàn thì ôn tồn:

– Em có biết nhà cô ta chứ gì? Được rồi, vấn đề là phải làm tốt công tác tư tưởng, phải quán triệt cho gia đình cũng như cô ta hiểu rõ tình hình. Chúng ta còn rất nhiều việc hệ trọng phải làm, chúng tôi cũng tin là gia đình và cô ta sẽ thấy được vấn đề để nhận lại cháu bé. Liên quan của em đến đâu và mức độ ra sao thì sẽ giải quyết từng bước.

Còn tham mưu trưởng lại trầm ngâm:

– Nhưng nếu như tìm đến nhà mà họ không nhận và cũng giả định là cô gái không có ở đấy, chưa về hoặc đã bỏ đi chỗ khác thì sao đây?

Mọi vấn đề được lật đi lật lại, các tình huống được giả định và các phương án khắc phục được nêu ra. Cuộc hội ý rồi cũng đi đến hồi kết thúc. Văn thư tiểu đoàn khua máy chữ rào rào, văn bản đưa ra tới tấp, riêng Hạnh được nhận hai tờ giấy có cùng nội dung được đóng dấu đỏ chói:

Đơn vị M ngày… tháng 2 năm 1972

Kính gửi: ủy ban hành chính xã Bạch Đằng

Cháu bé đây không phải là con của quân nhân Nguyễn Thị Hạnh. Do những khó khăn mà đơn vị chưa thể khắc phục được, nếu gia đình đồng chí Hạnh rộng lượng, vui lòng tiếp nhận và nuôi dưỡng cháu thì đơn vị hết sức hoan nghênh và cũng mong ủy ban hành chính xã tạo mọi điều kiện cho gia đình trong việc nuôi dưỡng chăm sóc cháu.

Đơn vị xin biết ơn gia đình, ủy ban hành chính xã và xin gửi lời chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

T/M. Đơn vị, Tiểu đoàn trưởng: Thượng úy Đỗ Văn Huynh

Những người chờ và đi trên chuyến tàu chợ lúc 7 giờ 45 phút tối hôm 4 tết năm ấy từ Thanh Hóa ra Hà Nội hẳn chưa quên cảnh một đôi trai gái mặc quân phục nhưng mặt mũi còn non choẹt, bế theo một đứa bé, tất tưởi chen lên tàu. Anh chàng trông cao ráo lắm, đẹp giai nhưng thái độ gượng gạo, có vẻ thất thế, đeo hai ba lô cái trước cái sau, đi trước mở lối. Cô gái không đẹp, dáng người đẫy đà, bộ quân phục có vẻ hơi chật so với vóc dáng tràn đầy sinh lực của cô. Nét mặt hiền lành, thái độ bình tĩnh, cô gái chậm rãi đặt từng bước chân. Có vẻ như cô vừa sợ ngã, cũng như sợ ai đó vô tình bất cẩn, động vào đứa bé.

Cả hai không ai nói với ai câu nào, và từ lúc ở sân ga cũng như khi lên tàu, đôi trai gái nhẫn nhịn, chịu đựng những cái nhìn đầy ẩn ý của mọi người.

Tàu chạy được một đoạn, đứa bé ậm ẹo khóc. Rồi nó khóc to hơn. Bà khách sồn sồn ngồi dựa lưng vào ghế của đôi trai gái nói vọng sang:

– Nó đói đấy.

Anh chàng lóng cóng lôi ra cái bát sắt quân dụng, rồi bi đông nước, rồi đường, rồi sữa, rồi lập cập pha pha quấy quấy.

Thằng bé vẫn nhắm nghiền mắt, chóp chép uống được vài thìa, rồi nó nghẹo đầu ngủ. Im lặng chỉ được mươi phút. Thằng bé lại khóc và lần này thì nó khóc to hơn, lâu hơn. Nghe mà sốt ruột quá.

Bà khách sồn sồn nghển cả người lên thành ghế, càu cạu nhìn cô gái rồi càu nhàu:

– Rõ chẳng ai như nhà chị này, con khóc như thế mà cấm chịu vạch áo cho nó bú. Không có sữa thì cứ cho nó ngậm. Tí tởn lắm vào, giờ còn xấu hổ nỗi gì.

Cô gái thở dài, bặm môi quay mặt đi.

Cô gái ấy chính là Hạnh. Hạnh chẳng hé răng đến nửa lời, cô chỉ thấy mệt và đói, đúng rồi, suốt từ trưa đến giờ, Hạnh đã ăn uống gì đâu.

Khi trưa, nghe chị em kháo nhau, thế là cô chạy sang. Khi thấy thằng bé nằm chỏng chơ ở phản, khóc oe oe, chủ nhà cũng không có ai, thế là cô bế thằng bé lên. Lúc đầu thì cô cũng thấy ngột và khó chịu lắm vì thằng bé cứ rúc đầu vào ngực cô. Sau cô cũng thấy bình thường, quen quen đi rồi chỉ thấy thương nó. Da nó đỏ hồng, những mạch máu li ti, mầu xanh, mỏng manh và yếu ớt. Môi nó bé xíu, nhỏ như hai cánh hoa hồng. Hai mắt nhắm nghiền, trông nó tội nghiệp, giống như con chuột đồng mới đẻ: Người ta bảo những đứa bé trông đỏ đắn như thế này, khi lớn lên sẽ trắng trẻo xinh xắn lắm, chẳng biết có đúng thế không. Mà sao mẹ nó bạc ác, nhẫn tâm đến thế. Những ý nghĩ ấy cứ miên man, lộn xộn trong đầu Hạnh.

Cho đến khi bảo là phải bế nó lên tiểu đoàn, Hạnh có ý nghĩ là muốn bế nó thêm một lúc nữa. Thế là Hạnh xung phong. Lên đến Tiểu đoàn, khi chờ các thủ trưởng hội ý, rồi lại nghe nói phải bế thằng bé đi tàu ra Hà Nội, tự dưng Hạnh lại thấy ái ngại thay cho Phú. Chứ còn sao nữa, cả một đoạn đường trường như thế, anh ta sẽ xoay xở ra làm sao. Hơn nữa cô cũng lờ mờ cảm thấy là thằng bé có vẻ bén hơi cô. Thế là Hạnh lại xung phong.

Bây giờ, khi đã ở trên tàu, Hạnh không hề ân hận một tí nào về việc đã bế thằng bé. Cô chỉ thấy mệt và đói.

Tàu chợ, ì ạch như rùa leo dốc, lại người lên người xuống, í ới gọi nhau, ồn ào chen lấn. Hơi người nồng nặc, ngột ngạt quá. Thằng bé ngủ không yên, nó cứ giật mình thon thót và khóc liên tục. Có lúc tiếng khóc của nó như tắc đi, nghẹn lại, nó nấc từng hồi, còn mắt thì vẫn nhắm nghiền.

Hạnh thấy xót xa trong lòng, đã mấy lần cô trào nước mắt nhưng vì tối quá nên không ai nhận thấy. Bụng dạ Hạnh rối bời. Lúc thì cô muốn tàu chạy nhanh, về là tìm được và trao ngay thằng bé cho mẹ nó, để nó khỏi mệt. Nhưng chỉ lát sau thì cô lại mong ngược lại, rằng tàu chạy thế này cũng chẳng sao, cứ như thế này mãi cũng được. Đấy, nó đã im và ngủ ngon lành rồi còn gì. Hạnh chẳng muốn xa thằng bé tí nào. Vừa chớm hình dung ra việc phải trao thằng bé cho mẹ nó, cô tự đập vào tay mình một cái, dứt khoát không nghĩ nữa. Và Hạnh ôm chặt thằng bé vào lòng.

Bên cạnh anh chàng Phú đã say sưa ngủ từ lúc nào.

Tang tảng sáng, tàu đến ga Hàng Cỏ. Phú đeo ba lô đi trước dẫn lối, còn Hạnh bế thằng bé, lếch thếch theo sau. Vòng vèo mấy dãy phố thì đến nhà cô gái, linh tính báo cho Hạnh biết là cô gái không có ở đây, điều đó cứ làm cô băn khoăn, không biết nên vui hay nên buồn. Phú luồn tay qua cái lỗ nhỏ sát tường của cái cổng sắt đã bắt đầu xệp xệ, thấy vang lên hai tiếng leng reng ngắn, rồi lại thấy Phú cúi xuống, di di mũi giày. Có tiếng loẹt xoẹt, rồi một người đàn bà gày gò mà Hạnh có cảm giác là ở bà ta cái gì cũng nhòn nhọn, bà ta cau có rút cái chốt then cổng. Khi nhận ra Phú, ánh mắt sắc lẹm của bà ta cụp xuống rất nhanh, bà ta cất giọng vồn vã nhưng nhạt thênh thếch:

– Ô cậu Phú! Cái gì thế?

– Cháu muốn hỏi: Tuyết có nhà không ạ?

– Sao, anh vẫn còn hỏi nó cơ à? Nó không có ở đây.

Hạnh thấy rõ ràng là bà ta sững người khi trông thấy cô bế thằng bé. Rồi bà ta nhẹ giọng:

– Chào cô, là cũng mong cô thông cảm giúp. Bất tiện quá nhưng tôi cũng đã đến giờ đi làm.

Mặt Phú tái đi, Phú ngắc ngứ bảo:

– Cô ạ chuyện là thế này: Hôm qua Tuyết có vào đơn vị cháu…

Mắt bà ta long lên, bà ta xoe xóe:

– Nó cũng đến chỗ anh cơ à, thế thì con này hư thân mất nết quá rồi, vào đấy làm gì cho anh mất thì giờ. Mà này, nói thật cho anh biết nhé, gia đình tôi từ nó đã từ lâu rồi!

Bỏ mặc Phú và Hạnh đứng ở chỗ nửa đường nửa sân như thế, bà ta ngoảnh người bước vội vào trong nhà, lại còn đóng mạnh cửa ra vào đánh rầm một cái, làm thằng bé giật nảy người.

Một vài ánh mắt của những người chung quanh, rồi cũng cái nhìn na ná như thế của những người qua đường tò mò nhìn Hạnh và Phú, Hạnh thấy bối rối khó nghĩ quá. Rồi Hạnh lại thấy Phú cũng quay ngoắt người, lùi lùi bước. Thái độ yếm thế ấy của Phú làm Hạnh bực mình, Hạnh lật đật bước theo và hỏi khẽ:

– Thế nào, đi đâu bây giờ?

– Tôi phải quay lại nhà cô ta, tìm gặp bằng được mẹ cô ta rồi muốn ra sao thì ra. Thật là nhẫn tâm, thật là vô nhân đạo!

Tất cả những điều được chứng kiến từ sáng làm cho Hạnh thấy buồn nản, Hạnh mệt mỏi bảo với Phú:

– Vô ích thôi, anh không tìm thấy cô ta thì cãi vã với bà ấy phỏng có ích gì, bà ấy cố tình ruồng bỏ thằng bé rồi, anh có thấy như thế không?

Trong lúc thay tã cho thằng bé, chợt nhớ đến hy vọng cuối cùng, Hạnh nói:

– Anh thu xếp đi, về nhà tôi. Chị gái tôi cũng mới sinh cháu, may ra…

Về đến làng vào lúc non trưa, vừa ở trên xe bước xuống, Hạnh đã xăm xăm rảo bước đi trước làm Phú cứ như phải chạy gằn theo sau.

Trong lòng Hạnh vừa xốn xang, vừa rối bời. Đã ngót năm nay cô chưa được về làng, những cảnh vật quen thuộc loang loáng trước mặt, một vài người í éo gọi cô chỉ trỏ điều gì đó. Hạnh cứ gật đầu bừa mà xăm xăm bước vội. Thực tình thì Hạnh có nóng ruột, không biết chuyện này rồi được thu xếp thế nào. Tâm trí cô dồn hết vào thằng bé và cô thấy trách nhiệm đặt hết lên vai mình, thôi thì hãy biết thế đã. Thằng bé sắp được bú, đúng rồi thằng bé sắp được bú sữa của chị cô, điều ấy như thúc giục, làm cô bước nhanh hơn.

Khỏi phải nói gia đình Hạnh ngạc nhiên đến mức nào và băn khoăn ra sao khi thấy Hạnh nói ra dự định của mình. Cô như đọc ra được những ánh mắt của mọi người và thấy lo lo, chột dạ khi chờ thầy mình xem giấy tờ. Mân mê mãi tờ giấy, lại mân mê đến cặp kính lão, rồi thầy Hạnh cũng nói khẽ khàng:

– Dù sao cũng là việc phúc đến nhà. Cũng là vất vả lắm đấy, thôi thì cũng tùy ở mẹ Tâm cả thôi!

Hạnh muốn nhảy lên khi nghe thấy bố nói ra điều ấy, cô cũng cảm thấy chị Tâm cũng thích thích thằng bé.

Cơm nước xong xuôi thì họ lại lếch thếch kéo nhau lên ủy ban. Ông phó chủ tịch xã chậm rãi đọc tờ công văn của đơn vị rồi đưa mấy tờ giấy khai sinh cho Phú. Ông hỏi như bâng quơ:

– Đặt tên nó là gì đấy.

Nghĩ đến câu nói của bố lúc trưa, lại chưa thấy Phú nói gì, Hạnh lanh chanh:

– Phúc ạ, Nguyễn Hồng Phúc, bác ạ.

– Mắt anh tinh, anh viết đi rồi tôi ký.

Khi Phú viết xong, vừa liếc qua ông đã xổ ra một tràng:

– Chữ anh này đẹp ghê, đại học hả? Nhưng không được, không được rồi. Thằng bé phải có mẹ chứ?

Phú tần ngần:

– Bác ạ, cháu không muốn ghi tên người đàn bà bạc bẽo ấy vào đây một tí nào.

Ông phó chủ tịch lắc đầu quầy quậy:

– Không được. Tôi cũng không hiểu anh đại học ở cái chỗ nào. Tôi hỏi anh nhé: Anh đẻ ra nó bằng đường nào, bằng nách à?

Mặt Phú như dài thuỗn ra, Phú chẳng nói được câu gì. Im lặng dễ đến hàng phút. Một ý nghĩ chợt đến, thế là Hạnh nói luôn:

– Hay đề tên cháu hở bác? Phải rồi, anh đề tên tôi vào cũng được!

Nói dứt lời, Hạnh lại đỏ mặt tưng bừng. Ông phó chủ tịch trân trân nhìn Hạnh. Rồi ông ngả người, cười khà khà:

– Thôi thì tùy nhé! Mà này, bút sa gà chết đấy con ạ. Gà con thì sống, còn chẳng biết gà mẹ sau này đào bới ra sao?

Lúc ấy, Hạnh chẳng bận tâm tý nào về ý tứ câu nói ấy của ông phó chủ tịch. Nhìn nét mặt như nhẹ đi của Phú, cô cúi xuống nhìn thằng Phúc đang hé mắt hấp háy, hình như là nó đang cười với cô. Còn Hạnh, cô chỉ nghĩ:

– Gớm, anh tí con ạ, được bú đẫy có khác.

Tối hôm ấy, Hạnh và Phú lại xuống ga, lên tàu quay trở về đơn vị.

Cái ánh đèn bão lúc lắc, lúc lắc ở cuối đoàn tàu xa dần rồi mất hẳn. Hạnh nhìn ra ngoài: tối như mực. Con tàu lao vun vút trong đêm.

Hạnh thấy mình lâng lâng, như nhẹ bỗng, nhưng rồi lại nặng trình trịch. Cô nhớ thằng Phúc, cô ứa nước mắt, buột miệng gọi: con ơi. Chừng như nhớ ra, cô giật mình quay sang: bên cạnh anh chàng Phú ôm ba lô, đã ngủ, say sưa từ lúc nào.

Sẩm tối ngày 26-3-1972, lúc đại đội đi hội trại hết trên tiểu đoàn thì Hạnh nhận được thư chị Tâm. Chị Tâm viết:

… Mọi việc ở nhà vẫn bình thường. Còn thằng Phúc, lạy trời nói trộm vía thì nó cũng dễ nuôi đấy. Nó đã biết lẫy. Dưng mà, cả đường và sữa gửi về nhà nhiều quá. ăn thì lâu hết mà bán đi thì bất tiện. Mà các em cũng phải giữ lại để bồi dưỡng sức khỏe chứ. Còn việc này thì chị muốn nói riêng với dì là hôm đi, dì có đưa cho 12 đồng, mấy hôm sau lại thấy những 35 đồng trong giấy khai sinh của thằng Phúc. Thế là của Phú rồi. Hôm nọ lại gửi về 7 đồng nữa, cho nên là lúc nào, dì cũng phải lựa lời mà nói với chú ấy. Chị cứ nghĩ nếu như chị đẻ sinh đôi, thêm thằng Phúc thì cũng đến vậy mà thôi…

Nói vào lúc nào nhỉ, mà lựa lời là thế nào? Hạnh thấy bí quá và băn khoăn cho đến tận lúc ngủ.

Thời gian lặng lẽ trôi đi…

Ngày 2-9-1975, trung sĩ quân y Nguyễn Thị Hạnh được Bệnh viện huyện tiếp nhận vào làm việc.

Vai đeo ba lô, tay xách hai con búp bê có những cái mắt nhấp nháy, khi vừa xuống tàu và đặt bước chân đầu tiên xuống sân ga, Hạnh khẽ reo lên: thế là xong. Trong lòng cô, đâu đó như có tiếng hát ngân nga. Cô sắp được gặp lại cha mình, gặp lại chị, gặp lại quê hương. Cô không đi đâu xa nữa, cô luôn được ở gần họ và một điều làm Hạnh thích thú lắm, ấy là được gặp lại thằng Phúc. Chắc nó cũng lớn chứ nhỉ, đã gần bốn năm rồi còn gì.

Bước chân vào cổng, Hạnh thấy chị Tâm đang sàng gạo, còn hai đứa bé đang chơi đùa gì đó. Hạnh nhận ngay ra thằng Phúc, nó e dè nhìn Hạnh. Chị Tâm cười cười:

– Các con chào dì đi. à, Phúc thì phải chào mẹ, mẹ Hạnh vẫn viết thư về cho con đấy. ôi chào, búp bê đẹp chưa này. Chào mẹ đi.

Thằng Phúc vẫn ngập ngừng, nói ấp úng câu gì đó rồi lảng ra sau lưng chị Tâm. Hạnh buông ba lô, cô bước lại rồi xoa đầu nó:

– Ừ, dì cũng được. Hôm nay thì tha, nhưng mai phải gọi là mẹ. Dì mới thực là mẹ, mẹ đẻ ra con đấy.

Rồi Hạnh bật cười rũ rượi, chị Tâm nắc nẻ cười theo làm hai đứa trẻ cứ ngơ ngác mãi.

Đêm hôm ấy, Hạnh thấy khó ngủ quá. Lẽ ra phải ngược lại mới đúng chứ. Cô nhủ thầm như thế rồi tự đoán, chắc là vì lạ nhà, hoặc lúc tối phải uống một hai chén trà đặc khi tiếp mọi người đến chơi.

Lúc sắp đi ngủ, Hạnh phải dỗ dành mãi, rồi chị Tâm cũng phải quát lên nữa, thằng Phúc mới phụng phịu, lên chõng nằm cạnh Hạnh.

Thấy nó cứ vật vã, sì sục Hạnh nghĩ là có thể nó lạ nên phải vỗ về nó mãi. Rồi cô nghĩ đến việc những người mẹ hay ru con. Thế là cô cũng đọc lên khe khẽ những bài hát, câu ca từ đời nảo đời nào, mãi như thế thành thử Hạnh lại thiu thiu ngủ trước.

Giấc ngủ có vẻ êm đềm, đang đến một cách chậm chạp khó khăn, bỗng Hạnh giật bắn người, có cái gì đó lờ quờ, mơn man trên ngực cô. Hiểu ra là tay thằng Phúc, Hạnh thở phào. Cô kéo lại áo rồi mắng nó:

– Làm thế là xấu, ngủ đi.

Thằng Phúc không chịu, có lẽ nó cũng mới gà gà ngủ. Rồi nó nhì nhèo bật khóc ti tỉ, đòi vào với mẹ Tâm. Đêm đã khuya lắm, Hạnh phải nghiêm giọng:

– Nín ngay, mẹ đánh đòn bây giờ.

Lời dọa của Hạnh chẳng có tí hiệu lực nào, thằng Phúc cứ nhì nhèo, ghét thế không biết. Gian bên, chị Tâm cũng đã tỉnh giấc. Vừa nghe giọng chị Tâm, thằng Phúc đã lồm cồm ngồi dậy, dỏng tai chờ đợi. Thấy chị Tâm bảo:

– Xin lỗi mẹ đi.

Nhưng chỉ đợi có thế, thằng Phúc ngắc ngứ câu gì, rồi vén màn chạy tót đi làm Hạnh cứ buồn cười mãi.

Nghỉ ở nhà nửa tháng thì Hạnh đi nhận việc. Cô được bố trí một phòng riêng 15 m2 trong khu tập thể của bệnh viện. Trong phòng có một cái giường cá nhân bằng sắt sơn xanh hòa bình đã chớm rỉ , một cái tủ gỗ mỏng dính, quét sơn mầu trắng nham nhở, có chiều cao bằng chiều rộng của cái giường.

Không sao, thế là quá hạnh phúc, quá thừa thãi so với khi nằm võng ở rừng. Hạnh nghĩ thế lúc kê lại cái tủ đã ọc ạch, có tiếng mọt cọt kẹt đâu đó.

Những ngày này với Hạnh mới dễ chịu làm sao. Nắng như không gay gắt mấy còn mưa dầm gió bấc hình như cũng ít hơn thì phải.

Đi đâu cũng ríu rít hai mẹ con, đồng nghiệp hàng xóm thì quen rồi, chứ bạn bè xưa ít gặp thì chắc lạ lẫm và ngạc nhiên lắm. Hạnh luôn nhớ đến ơn của bố cô, đến công sức quá vất vả của chị Tâm. Này nhé, Hạnh không phải mang nặng đẻ đau, không phải gánh một tí điều tiếng gì, không bú mớm nâng giấc, thuốc thang sài đẹn cũng không nốt, ấy vậy mà bây giờ, cái thằng Phúc trông như trong tranh, lúc nào cũng bi bô gọi cô là mẹ. Còn muốn đòi gì và còn gì hơn thế nữa.

Cô ngồi trông nó xúc cơm ngon lành thì chỉ muốn nó ăn thêm bát nữa. Với Hạnh thế nào cũng xong, bo bo, bột mỳ hay ngô tẻ già luộc thì cũng như nhau cả thôi, mà cô còn nhịn ăn, có lúc bỏ bữa đấy. Hình như Hạnh có béo lên, quần áo cứ chật dần. Cũng chẳng sao, miễn là đừng ốm đau, mệt mỏi gì là được. Nhưng Phú chẳng có tin tức thư từ gì cả. Sao thế nhỉ, hòa bình đã mấy năm rồi, bao nhiêu người đã nườm nượp trở về, chí ít thì tin tức cũng đã rõ ràng. Hay là anh ta đã, không, chắc không việc gì đâu, mình thật vớ vẩn.

Chỉ cần Phú đã trở về, nhớ đến Hạnh hay không thì tùy, miễn là trông thấy thằng Phúc là được, trông nó, Phú phải thích lắm nhỉ? Đôi lúc Hạnh cứ nghĩ miên man, vẩn vơ như thế và cô cũng phải tự thú nhận là hồi này cô hay nghĩ và nhớ đến Phú rất nhiều. Có lần, đã lâu lắm, cô mơ thấy Phú nhưng máu me đầy mình và có mùi hôi khó chịu lắm, nhưng chỉ thoảng qua thôi và cô tỉnh ngay được. Còn lần sau, đấy là một trưa chủ nhật, cả hai mẹ con cùng đi ngủ. Giấc ngủ êm đềm đến thật nhẹ nhàng. Hạnh thấy mình đang đi lên một quả đồi, chung quanh toàn hoa sim, mát mẻ và vắng lặng lắm. Bất ngờ, Phú ở trên đồi chạy xuống quần áo mới tinh, hàm răng trắng bóng. Phú ôm chầm lấy Hạnh nhấc bổng cô lên rồi lại đặt cô xuống. Hạnh như lịm đi, cô kêu lên: “Ôi, anh ơi!”, nhưng cô lại cuống quít, hình như không phải Phú, đấy là khuôn mặt của ông bảo vệ bệnh viện… Không được, cứu, cứu tôi với, mà sao vắng lặng thế này.

Tiếng kẹt cửa làm Hạnh tỉnh giấc. Hạnh dụi mắt và tự cấu vào mình, thì ra là Hạnh vừa mơ. Nhưng máu vẫn rần rật và người cô vẫn còn bừng bừng.

Thằng Phúc hỏi:

– Mẹ gọi gì đấy.

Hiểu ra thằng Phúc đã không ngủ, trốn mẹ đi chơi, Hạnh thấy tức nó. Cô mắng nó xơi xơi:

– Gọi gì à, làm sao mà không ngủ. Đi đâu về nhễ nhại thế này. Quần áo nữa kìa, bẩn quá đi thôi. Phúc, tự úp mặt vào tường đi.

Thằng Phúc nhích nhắc đi vào tường, len lét quay đầu nhìn mẹ. Chắc nó cũng ngạc nhiên lắm khi nhìn thấy mẹ nó. Người đang ngồi trên giường kia, tóc tai rã rợi, mặt mũi sưng sỉa đỏ như phát ban, lại đang gầm gừ quát tháo, có lẽ không phải mẹ nó.

Chừng như Hạnh cũng nhận ra một điều gì quá đáng ở mình. Cô im bặt và lặng lẽ soi gương. Cô giật mình khi thấy mình lạ đến thế. Gớm ghiếc làm sao. Rồi Hạnh cũng tĩnh trí lại được. Cô ôm chầm thằng Phúc vào lòng, nhẹ nhàng xoa đầu nó và không nói một câu nào nữa.

Nhưng suốt cả chiều hôm ấy, Hạnh như người khác. Người cô cứ nóng ran,mụ mị và mê muội đi. Trong cơn mộng du và nỗi thèm khát dai dẳng, Hạnh tự hành hạ mình, với một cái cuốc và một đôi quang gánh, cô thay toàn bộ lớp đất trên mặt của 12 m2 đất được chia để trồng rau. Chẳng nhớ là bao nhiêu gánh, gánh đất cũ đi và gánh đất mới về. Ai hỏi, Hạnh bảo đất này bạc màu rồi.

Đêm về, nỗi ám ánh ấy vẫn không buông tha cho Hạnh. Cô không tài nào ngủ được. Hạnh giở thư của Phú, chỉ có hai lá thôi mà cũ lắm rồi, cô đã thuộc lòng.

Hạnh thoáng thấy lo lo khi mân mê cái khăn mặt mà Phú quàng lên cổ cô hôm nào. Rồi Hạnh lấy diêm và một tờ báo. Hạnh đốt tờ báo và hơ cái khăn lên đó. Tờ báo cháy lem lém. Người ta bảo làm như thế này là người đi xa phải nóng ruột. Chẳng biết có đúng không?

Ngày 15-8-1978. Hạnh đi xin cho thằng Phúc vào học lớp 1, trường của thị trấn. Người ta yêu cầu phải có giấy khai sinh và hộ khẩu, kèo nèo mãi thì người ta cũng nhận. Lý do phải nói khó là vì thằng Phúc chưa có hộ khẩu ở thị trấn. Người ta trách cô, sao mà bất cẩn quá, sao mà không nhập hộ khẩu cho thằng Phúc. Hạnh cũng không ngờ cái chuyện giấy tờ hành chính lại lôi thôi, nhiêu khê đến thế. Cũng không nên trách cô, thực ra Hạnh đã chủ tâm bởi cô tính rằng cứ để việc thằng Phúc đấy, đợi Phú về hãy hay.

Cô chẳng muốn nói ra vì chính cô cũng thiệt thòi nhiều khi mấy năm không làm hộ khẩu cho thằng Phúc theo mình. Đã mấy lần có mấy người nhắc, cô chỉ ậm ừ. Là bởi vì cô đã tính thế. Nhưng đến nước này thì không thể được nữa rồi, phải làm hộ khẩu cho thằng Phúc thôi. Biết khi nào Phú mới về.

Nộp đơn và giấy khai sinh hôm trước thì chiều hôm sau Hạnh được mời lên phòng tổ chức hành chính để làm việc.

Bình thản ngồi xuống ghế, Hạnh lặng lẽ nhìn người cán bộ phụ trách việc quản lý theo dõi hồ sơ. Có lẽ anh ta chưa đến 40 tuổi, quần áo phẳng phiu, da trắng bệch, cặp mắt bé tí như hai vết rạch tiểu phẫu trên khuôn mặt bèn bẹt. Tóc lưa thưa, mươi sợi dài thõng thượt, cố che lấy cái trán đã hói trơn lên tận đỉnh.

Hôm nay, Hạnh mới nhìn rõ mặt anh ta, chẳng biết ai rỗi hơi nói là anh ta mê Hạnh. Mình thì có đẹp gì nhưng anh ta thì rõ là đồ trai hoi. Nghe nói con gái anh ta cũng đã lớn lắm và anh ta đang chê vợ già, quê đâu xã dưới thì phải. Hạnh chẳng thấy ưa anh ta tí nào.

Anh ta rót nước, cất giọng điệu đà và mềm như bún:

– Uống nước đi em, thế bao giờ cho các anh ăn cỗ đấy nhỉ?

– Chưa, có lẽ cũng còn lâu đấy – Hạnh đáp qua loa cho xong chuyện.

Cái giọng mềm oặt ấy vẫn không tha, hình như nghe lại thẽ thọt hơn:

– Lâu là đến bao giờ, anh ấy đang làm gì, chức vụ thế nào, công tác ở đâu?

Hạnh xẵng giọng:

– Làm gì, ở đâu, dễ thường tôi phải khai với anh à?

Im lặng. Khuôn mặt bèn bẹt ấy không hề biến sắc. Anh ta nhếch một cái cười, tợp một ngụm nước. Rồi anh ta rướn người, nghiêm mặt:

– Xin lỗi, có những việc tổ chức phải được biết và nắm rõ. Đồng chí Hạnh chưa lập gia đình có đúng không?

– Anh xem lý lịch thì rõ.

– Có nghĩa là chưa kết hôn. Vậy cháu Phúc là con ngoài giá thú?

Hạnh ớ người, cô chẳng biết trả lời thế nào. Anh ta lại dồn tiếp:

– Tại sao đồng chí không ghi vào lý lịch.

Anh ta đắc thắng, kẻ cả chìa mấy bản lý lịch mới toanh:

– Yêu cầu đồng chí ghi rõ và bổ sung lý lịch. Ngày hôm nay là…

Chẳng phải nghĩ ngợi gì, Hạnh ngoáy ngoáy trên mấy tờ lý lịch ấy. Mà việc gì phải nghĩ ngợi, việc làm rõ như ban ngày, trước chưa khai thì bây giờ khai, đã sao đâu nào.

– Hết rồi à.

Hạnh chẳng buồn đáp, buông cái bút đánh cạch xuống bàn.

– Chiến tranh, thời chiến mà? Biết vậy, cũng không ngờ nhỉ – Cái giọng mềm oặt ấy lại nhẽo nhợt.

Hạnh thấy bừng bừng trong người, cô đứng phắt dậy:

– Anh không được nhắc đến thời chiến, biết vậy thì anh làm gì nào. Này, nói cho anh biết nhé: Anh có mắt cũng như không.

Cái mặt mỏng dính ấy càng bẹt thêm ra, anh ta cũng chồm lên rồi the thé:

– Cô nói bé thôi, quát ai đấy. Tôi cảnh cáo cô về hai tội: thiếu trung thực với Đảng và lăng mạ cán bộ. Làm gì à, rồi cô khắc biết. Hừ, trông thế mà lẳng lơ!

Hạnh đập bàn đánh rầm:

– Lẳng lơ à, thì đã sao? Còn hơn khối kẻ rúc nách vợ!

Đùng đùng bỏ ra ngoài, Hạnh vẫn còn thấy gai cả người. Cô chẳng sợ gì cả, nhưng cô thấy buồn quá. Buồn cho chính mình, mà hôm nay làm sao mình lại ngoa ngoắt như thế. Buồn cho sự đời nhiêu khê và phức tạp, chuyện của cô đơn giản, khác nào một cộng một bằng hai, vậy mà nhiều người vẫn chẳng tìm hiểu cho ra ngọn ngành, đưa cô vào thế bí, lại còn buộc tội cô nữa.

Cả chiều hôm ấy, Hạnh thấy chán ngơ chán ngắt, cô chẳng tập trung đầu óc tí nào. Đã vậy, chiều tối về nhà, thầy Hạnh lại nhắc đến chuyện riêng của cô làm cô càng sốt ruột. Cô ngồi đầu hè tựa lưng vào cột, lặng lẽ nhìn bầu trời cao rộng mà thấy rối bời.

Trăng chưa lên. Bầu trời chi chít những sao là sao, lặng lẽ và nhấp nháy. To rộng thế nhưng xem ra lại mạch lạc chứ không lộn xộn, rối mù như trong đầu cô. Thực ra Hạnh cũng thấy núng thế lắm rồi. Cô cũng biết mình rõ lắm chứ! Bao nhiêu gương mặt của những người đàn ông như chập chờn trước mặt. Anh Tứ thầy giáo cấp 3 nhé, anh Vân công an huyện. Rồi cả anh Bảo mới lên phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp nữa chứ. Toàn là những người đàng hoàng cả và họ cũng đều thực lòng với cô đấy thôi.

Nhưng cứ nghĩ đến chuyện phải yêu ai thôi là cô lại thấy ngài ngại. Cô nghĩ đến hình ảnh thằng Phúc nằm chỏng trơ ở phản năm nào. Có khác nào cô là người bỏ rơi nó. Rồi với Phú nữa, nghĩ đến người khác tức là không chung thủy với Phú. Nhưng đã có gì với nhau đâu. Mà như thế thì đáng gọi là gì nhỉ?

Phải, hôm ấy, trời cũng đầy sao thế này, có điều oi bức hơn thôi.

Suốt từ trưa, cả tiểu đội Hạnh quần quật với những chuyện chia bôi gạo, cá khô, mắm ruốc. Rồi còn nắm cơm cho hơn trăm con người. Lúc sẩm tối, Phú có đến tìm thì Hạnh vẫn nói tưng tửng:

– Vâng! Thế anh đi mạnh khỏe nhé. Rồi Hạnh lại cắm cúi với công việc.

Thấy Phú cứ loanh quanh rồi lật đật chạy đi, Hạnh bỗng thấy bứt rứt: Dù sao thì anh ta cũng sắp đi xa, vào nơi hòn tên mũi đạn chứ có phải chuyện chơi, lành dữ đã biết thế nào, rồi cô lại nhớ đến thằng Phúc. Thôi thế là bố nó phải đi xa thật rồi. Chẳng gì thì cũng có chuyện liên quan đến thằng bé…

Hạnh chưa biết làm gì thì tiếng còi tập trung đã cất lên lanh lảnh, nghe đanh từng hồi dài.

Trong bóng tối oi bức của một ngày đầu hè, những ánh đèn pin loang loáng, những tiếng gọi í ới, thúc giục, nhắc nhở nhau. Rồi chỉ loáng sau, từ các ngõ xóm, hơn trăm con người, lặc lè ba lô, lỉnh kỉnh súng ống, lầm lũi trong bóng tối, nối nhau ra tập trung ở sân kho, trước cửa bếp nuôi quân của Hạnh.

Vịn tay vào cây cột, Hạnh căng mắt. Là Hạnh có ý tìm Phú, nhưng trông ai cũng giống nhau quá, mũ cối sùm sụp thế này. A, nhưng tiểu đội trưởng thì thường đi đầu đấy. Mới được có ba hàng, Phú đâu nhỉ?

Hạnh đang căng mắt thì Phú lại đến ngay cạnh làm cô kêu ớ lên một tiếng. Dưới vành mũ cối, Hạnh thấy hàm răng Phú trắng lấp lóa:

– Tôi đi đây, chào Hạnh lần nữa nhé!

Hạnh thấy mình run run. Cô đang cố tự chủ, định nói câu gì cho thật tình cảm nhưng đúng mực. Nhưng lạ quá, đầu óc như biến đâu mất cả mà khuôn mặt với hàm răng trắng lóa của Phú cũng như mờ đi. Ô hay, mình khóc à.

Hạnh thấy tay Phú cũng run run khi nắm tay cô. Khuôn mặt hai người gần nhau lắm. Đột ngột, Phú kéo khuôn mặt cô rồi hôn lên tới tấp. Hạnh thấy rụng rời cả chân tay, cô chưa biết phản ứng thế nào thì bàn tay Phú đã xoa rất dịu dàng lên khuôn mặt cô, rồi lại ở phía sau trên thắt lưng.

Hạnh chẳng biết làm gì cả, cô không kịp kêu. Hình như Hạnh có dướn người lên. Việc ấy chỉ xảy ra trong mươi giây, Phú nói nghẹn ngào quá:

– Anh đi, em ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe. Nhất định anh sẽ về với em, với con.

Người Hạnh run như phải cảm. Cô không nói được câu gì rành rẽ.

Nước mắt khiến cô tắc nghẹn. Phú cởi khăn của mình lau cho cô rồi quàng lên cổ Hạnh.

Tiếng chỉ huy dõng dạc: Đại đội tập hợp.

Tất cả chỉ có vậy, thế là Phú đi, đi mãi.

Nhớ tới chuyện cũ hôm nào, Hạnh thấy trong người bừng bừng. Cô chạy ra giếng, rồi cứ nguyên cả quần áo như thế múc nước dội ào ào. Tiếng thùng va vào thành giếng loảng xoảng trong đêm khuya.

Lời bàn của những người ngoài cuộc.

Tôi, phó ban bảo vệ một công trường trọng điểm biết được câu chuyện trên một cách hết sức tình cờ.

Cậu nhân viên dưới quyền đưa cho tôi một quyển sổ bìa bọc nhựa đen đã cong queo, một cái gương soi bé xíu đã mờ và một khăn mặt mầu cỏ úa đã cứng quèo. Cậu ấy nói nhặt được mấy thứ trên tại bãi cỏ hoang, cạnh hàng rào của công trường mà chúng tôi đang thi công.

Cậu ấy phán đoán: có thể những thứ này là vật chứng còn lại của một vụ trộm nào đó mà bọn bất lương đã bỏ lại.

Bởi ban bảo vệ chúng tôi đang giữ những thứ ấy nên tôi đã thông báo, ai là chủ nhân của chúng xin liên hệ theo số máy:

– Trong giờ: 04. 864196.

Hoặc ngoài giờ: 04.862.408.

Sở dĩ tôi phải nói vậy là vì trong cuốn sổ ấy không thấy đề quê hương địa chỉ gì cả. Trang đầu chỉ ghi Nguyễn Thị Hạnh, hòm thư 705161 JC…, mấy số sau ở sát mép trang bị quăn, số lại mờ nên không đọc được. Trang tiếp theo chép những câu danh ngôn, chẳng hạn câu đầu tiên là:

“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh. Lúc đó, thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”.

– Những trang tiếp theo chép những bài hát, được ưa thích một thời như: Đường cày đảm đang, Tiếng hát trên Đường 9 chiến thắng, Câu hò trên bến Hiền Lương… Có cả bài Ru con Nam Bộ.

Rồi lẫn lộn vào đấy là những câu thơ, có những câu chẳng rõ đọc được ở đâu. Ví như:

– Nước còn giặc ta đi đánh giặc.

Sức trẻ lên đường, Đất nước chuyển rung.

Để trống năm trang thì đến những dòng nhật ký. Ngày bắt đầu là 31-12-1971, ghi lại những cảm xúc đầu tiên khi xa nhà, nỗi nhớ gia đình, quê hương. Những ngày tiếp theo nói về cuộc sống quân ngũ, những chuyện phấn đấu, riêng tư và dừng lại ở đoạn cuối cùng như tôi vừa kể trên thì còn một tí nữa là hết giấy.

Đọc những dòng nhật ký ấy, tôi thấy rất ấn tượng. Nét chữ mềm mại ngay thẳng, câu cú rành mạch, thú thực là tôi đã chép nguyên văn những ngày, những đoạn có liên quan đến câu chuyện này, chỉ có một mạo muội duy nhất là đã thay đổi đại từ nhân xưng cho tiện kể hơn mà thôi.

Nhưng cái đoạn dừng lại như thế làm tôi băn khoăn quá. Chẳng hiểu rồi cuộc đời và số phận của những con người ấy sẽ ra làm sao, chuyện riêng tư của họ sẽ được thu xếp như thế nào.

Tôi nghĩ là anh đã bình an vô sự trở về, anh sẽ gặp lại chị và họ sẽ lấy nhau. May mắn có thể đến với họ như thế lắm chứ, nhưng biết đâu có thể còn khối điều bất hạnh đã đến với họ thì sao? Chịu, tôi không thể nào đoán được.

Nhưng dù có thể gì gì đi chăng nữa thì tôi vẫn tin tưởng ở nơi chị bởi tôi láng máng nhận ra rằng, tình yêu của chị dành cho anh luôn nguyên vẹn, mãi mãi là những điều mới mẻ, tinh khôi. Còn nghĩa cử và tấm lòng của chị dành cho thằng Phúc thì như nước của sông dài biển rộng, dẫu có qua ba vạn sáu ngàn ngày chắc cũng chẳng thể nào vơi cạn được.

Chưa rõ kết cục câu chuyện thế nào, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ đinh ninh như thế.

Tác giả: Dương Tử Giang – Giọng đọc: Vân Anh

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcTrở gió – Lê Minh Hùng
Audiobooks tiếp theoSám Hối – Nguyễn Hồng
Lưu Ý: Thông tin về những phát thanh viên của vov bạn thấy trên website chỉ là thông tin do chúng tôi thu thập được. Những Phát thanh viên, Nghệ sĩ trên "KHÔNG" công tác, làm việc và viết bài trên website RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here