Home Radio online Đọc truyện đêm khuya Gió Không Ngừng Thổi – Đỗ Bích Thúy

Gió Không Ngừng Thổi – Đỗ Bích Thúy

503
0

Thào Mí Chà ở Lũng Pục là một thằng trai đẹp, trán cao, vuông, lông mày rậm, mắt sáng, hai hàm răng rất trắng và miệng cười làm chết người, bọn con gái ở Lũng Pục rất nhiều đứa thích nó, nhưng nó là một con ngựa chỉ thích ăn cỏ trong vườn hàng xóm.

Cái thằng hư thế không biết, nó không giống bố nó là ông Thào Mí Sùng một tí nào. Mấy hôm nay người Lũng Pục xôn xao ca lên vì chuyện thằng Chà tự dưng mất tích. Nhà ông Sùng như có đám, cả Lũng Pục cũng như có đám theo. Người Lũng Pục xưa nay vẫn thế, mấy chục nóc nhà sống với nhau như anh em ruột thịt, một con bò cày nhà ai bị ngã núi thì cả bản xúm lại góp mỗi người một ít tiền cho nhà ấy mua ngay một con bò mới, huống hổ lần này lại là chuyện mất ích của thằng con trai duy nhất nhà ông Sùng. Bọn thanh niên bổ đi tìm, sang Pải Lủng, sang Cao Mã Pờ, sang Khâu Bủng, chỗ nào có nhiều con gái đẹp là tìm đến, ba ngày sau thì đưa được thằng Chà say khướt về.

– Tìm thấy nó ở đâu thế? Người già nhao nhao, mắt vằn lên vì tức giận.

– Ây dà, nó uống rượu ở nhà một đứa gái góa bên Cao Mã Pờ…

– Cái gì? Uống rượu ở nhà một đứa gái góa à? Trời đất ơi, gầu Mông ơi là gầu Mông, sao lại chui vào váy một đứa gái góa thế hở?

Thế này thì không được rồi, không được rồi. Mỗi người một câu thi nhau trút xuống đầu thằng Chá. Trong khi bố nó, ông Sùng như già đi hàng chục tuổi, ngồi gục một góc bên cạnh chai rượu ngô đã cạn, mẹ nó nằm như một tấm váy ướt trong buồng. Đứa chị thì mặt tái xanh, cầm khăn lau mặt cho thằng em vẫn đang say sưa ngủ, bọt mép sùi cả ra.

***

Năm mười tám tuổi ông Sùng đã lấy bà Kía, ở với nhau bảy năm mới đẻ được một đứa con gái, là cái Sèn. Nhưng cái Sèn đã lớn mà mãi không có em, mẹ chồng bà Kía đã đi khắp cả vùng Quản Bạ, Yên Minh, lên cả Đồng Văn, Mèo Vạc, mang về đủ thứ thuốc mà con dâu cứ như con bò đực, không đẻ nữa. Trước lúc chết, bà gọi con dâu vào buồng:

– Phải có một đứa con trai, con dâu à, nếu không thì sau này… bà già khóc nấc lên, hai giọt nước mắt hiếm hoi lăn ra từ hai hốc mắt trũng sâu. Bằng mọi cách phải có một đứa con trai, phải giữ được đất của họ Thào ở Lũng Pục, phải có người thờ cúng tổ tiên, nhớ chưa.

Bà Kía nước mắt ròng ròng không mở miệng nói được câu nào, chết lặng nhìn mẹ chồng ra đi. Bà Kía gần như được mua về nhà chồng. Bố mẹ chết sớm, Kía ở với chú thím, chú thím nghèo, đông con, từ sáng sớm đến đêm khuya chỉ biết hùng hục làm lo đổ đầy ngô xay vào chõ mèn mèn cho lũ con gần chục đứa đang tuổi ăn tuổi lớn, thế nên Kía không được dạy dệt vải, thêu thùa, khâu vá, Kía chỉ giỏi cầm cái cày đi sau con bò và bỏ hạt ngô xuống hốc đá mà thôi. Bố mẹ chồng đã phải bỏ ra hai trăm đồng bạc trắng để lấy được Kía về làm dâu. Ngày đầu tiên về nhà chồng, mẹ chồng dẫn Kía xuống bếp. Ở bếp có con ma bếp, ma bếp cai quản việc sinh đẻ của đàn bà và phu hộ cho việc chăn nuôi gia súc. Vì thế không được dẫm chân lên bếp lò, không được gõ vào thành bếp, lúc nào muốn nhấc chảo cám lợn ra phải cho một hòn đá vào giữa… tất cả những điều đó bà mẹ chồng dặn kỹ như dặn một đứa con gái sắp đi lấy chồng chứ không phải với một đứa con dâu mới về. Ở nhà chồng Kía được thương yêu, được đùm bọc, được chăm sóc khi ốm đau, ngày Kía đẻ con Sèn bố mẹ chồng làm một cái lễ cúng ma buồng to lắm, to như cúng cho một thằng cháu trai. Con Sèn lớn nhanh, rất ngoan nhưng dù thế nào nó vẫn không phải là con trai. Bố chồng, rồi mẹ chồng đã lần lượt đi theo ông bà tổ tiên, mà Kía vẫn còn một món nợ chưa trả được.

Ngày ngày Kía hùng hục giành làm hết việc, lúc nào cũng dựng sẵn một thùng rượu ngô ở góc nhà và vài tảng thịt khô trên gác bếp để chồng gọi bạn đến chơi. Kía sợ chồng buồn, chồng buồn thì Kía càng có lỗi quá. Kía cũng buồn, buồn lắm, vừa buồn vừa thương bố mẹ chồng chết chưa nhắm được mắt, thương chồng sắp đến tuổi ông mà chưa được làm bố một thằng con trai, nhưng cái buồn giấu tận đáy lòng không làm phai mờ đi nhan sắc của người đàn bà miền núi một con, cặp má đỏ hồng, da căng mịn, mái tóc rất dày và hai cánh tay khỏe mạnh, Kía vẫn làm chồng mệt lử sau mỗi đêm uống rượu với thịt bò khô.

Mẹ chồng chết đã nửa năm, một đêm, Kía cầm lấy tay chồng, khẽ khàng:

– Mình tìm cho bố nó một người vợ nữa nhé?

Chồng Kía ngồi bật dậy:

– Cái gì, vừa nói cái gì thế?

– Mình tìm thêm cho bố nó một người vợ nữa. Phải đẻ một đứa con trai bố nó à, mình đã hứa với tổ tiên rồi, bằng mọi giá phải có một đứa con trai để sau này còn có người thờ cúng, có người giữ đất.

Chồng đưa tay bịt mồm Kía, Kía gạt ra, nói tiếp, rất nhanh:

– Nghe mình, mình sẽ tìm một đứa gái tốt, một đứa gái biết đẻ mình sẽ coi nó như em gái mình, mình sẽ bảo nó cách làm vợ…

Chồng Kía nắm chặt lấy hai vai vợ, lắc mạnh:

– Nghe đây này, có chết tôi cũng không lấy ai nữa, có chết ngay bây giờ tôi cũng không cho bất cứ người nào bước chân vào nhà này, nhớ chưa.

Kía nghẹn giọng: .

– Mình đã hứa với bà nội con Sèn rồi… biết làm thế nào?

– Làm thế nào thì mặc kệ, tôi không biết.

– Nhưng… mình đã đưa nó về đây rồi.

– Cái gì? Đưa ai về đây?

– Là đứa gái con nhà Lừ bên Cao Mã Pờ. Mình mang nó về đây rồi, nó đang ngủ với con Sèn đấy.

– Ái chà, vợ mình đã coi mình như con lợn con dê rồi đây, định mang mình đi lấy giống hở. Đâu nó đâu, xem cái mặt dày thế nào mà dám bước chân vào nhà này.

Kía không kịp níu áo thì chồng Kía đã xồng xộc bước ra ngoài, xông thẳng đến trước cửa buồng con gái. Nhưng cũng lúc ấy, cánh cửa phía trước kèn kẹt mở ra, rồi tiếng bước chân dẫm lên đống đỗ tương phơi dở ngoài hiên lạo xạo vội vã…

Người mà Kía định đưa về làm vợ hai cho chồng đã nghe thấy hai vợ chồng nói chuyện với nhau, bỏ đi mất rồi.

Chồng Kía ra bếp ngồi, vớ lấy cái điếu cày rít sòng sọc, một lúc sau lại lấy thêm chai rượu, rót uống một mình cho đến sáng.

Từ đấy, Kía không dám nhắc đến chuyện tìm vợ mới cho chồng nữa. Mà không lấy thêm vợ nữa cho chồng thì lấy đâu ra con trai cho họ Thào cơ chứ. Mỗi lần đưa con đi hàng mấy cây số ra suối tắm giặt Kía lại đằm mình trong nước suối, chỉ mong nó làm cho mình xấu xí đi, khô héo đi. Tại sao một người đàn bà không đẻ được nữa lại cứ nở ra như một bông hoa chuối đỏ rực, căng mọng thế này? Nhưng nước suối, cả những mớ lá cây úa vàng cháy trong lòng nó cũng không làm Kía khô héo đi. Giá mà chồng Kía bớt yêu vợ đi một tí thì có khi đã khác.

Một buổi chiều, đã muộn rồi nhưng Kía vẫn cố nán lại trên nương để bẻ nốt chỗ ngô. Năm nay ngô được mùa, bắp nào cũng to, dày hạt, cầm nặng trình trịch, năm nào cũng được thế này thì người Mông không bao giờ lo đói. Đang lúi húi bẻ ngô thì một người đàn ông xuất hiện ngay trước mặt Kía. Là Vàng Chỉn Tờ trên Khâu Bủng. Kía biết người này, người này có họ xa với nhà chồng. Vàng Chỉn Tờ nhìn Kía cười cười:

– Muộn rồi sao chưa về hở chị dâu?

– Cũng đang định về đây. Lâu lâu không thấy chú đến chơi, ông bà trên ấy có khỏe không?

– Khỏe, khỏe lắm. Em cũng khỏe, chị có tin không?

– Chú nói gì thế, khó hiểu quá.

Tờ sán lại gần, nhìn Kía cười cười nuốt nước bọt ừng ực. Kía lùi lại, nhìn quanh. Trời đang sẫm dần, cả một dải nương ngô đã vắng ngắt. Tờ vẫn cười:

– Thấy bảo anh Sìn dạo này không khỏe, muốn có con trai mà mãi chưa được.

– Từ từ rồi khắc có, đi đâu mà vội.

Kía lúng búng mấy câu nhưng Tờ đã sấn đến, đè nghiến Kía xuống đất. Kía gào thét, giãy dụa, Tờ cười hềnh hệch, nước dãi rớt ra thành dòng:

– Để em cho một đứa con trai, chị dâu à, nghe em, em cho một đứa con trai, khỏi phải lo lấy vợ mới cho chồng.

Trời tối đen, nương ngô rất rậm và cao, tiếng gào thét của Kía bị át đi bởi tiếng gió từ trong thung lũng đang phả ra ào ạt… Mãi cho đến khi có tiếng trẻ con thét lên bên cạnh, tiếng gậy đập lẹt đẹt ngay bên trên Kía. Là cái Sèn, bố đi đám cưới để Sèn ở nhà một mình, sợ quá nó đã mò lên nương ngô tìm mẹ.

Nếu không có Sèn ở bên cạnh đêm ấy thì có lẽ Kía đã không về nhà, đã ra bờ vực và nhảy xuống. Chỉ có một nơi nào đó sâu thẳm, tối đen mới có thể xoa dịu nỗi tủi nhục mỗi lúc một dâng lên trong lòng Kía. Nhưng con Sèn còn bé quá, không thể nào để nó lại được.

Sau hôm ấy Kía bị ốm, hằng tháng liền không dậy được, cũng không ăn nổi thứ gì. Cứ cầm lấy bát cháo thì cái mặt đầy dãi rớt của thằng Tờ lại hiện lên, cơn buồn nôn lại ào đến. Sùng đã đưa thầy Sa man về nhà, nhưng thầy Sa man cũng chịu, và không cần phải dầm mình dưới suối nữa thì Kía cũng đã khô héo đi như một quả đậu giống để trên gác bếp. Nhưng trong lúc mê lúc tỉnh, điều kinh hoàng nhất mà Kía cảm thấy lại là một sự sống đang hình thành trong bụng mình. Đúng vậy, đó là điều kinh hoàng nhất mà Kía phải đối mặt. Cái sự sống rất bé nhỏ ấy, đúng là nó, đang cựa quậy, dần thành hình hài trong bụng Kía. Ôi trời ôi, nếu mà nó mang cái mặt giống như cái mặt đầy rớt rãi và đôi mắt đục ngầu thì sao? Nếu mà nó giống hệt như thế thì sao? Hàng ngày Kía sẽ phải nhìn thấy nó, đối diện với nó, ôm ấp nó, trời ôi, thế thì có tội lớn quá, thế thì có chết khô bảy lần có chết ướt mười lần cũng không gột rửa hết.

Thế mà không để ý đến nỗi sợ hãi vô ngần của Kía, đứa bé cứ lớn dần lên trong bụng. Phải bỏ nó đi thôi, không thể để nó ra đời được. Nó là ma quỷ, nó là rắn rết, nó là hổ báo, lợn rừng, nó không phải người, nó không được ra đời, không thể để nó ra đời rồi mang họ Thào được. Đêm khuya, trời rét căm căm, Kía mò mẫm ra vườn cải, phía sau chuồng dê, Kía lấy một cái khăn to, quấn chặt lấy bụng rồi bám lấy dóng chuồng dê nhảy chồm chồm, nhảy đến mệt lử mồ hôi vã ra đầm đìa. Nhưng đứa bé, dai dẳng như một sợi mây, dứt khoát không rời khỏi Kía. Đã thế tao sẽ nhịn ăn, nhịn ăn cho mày chết đói. Kía lẩm bẩm. Nhưng chồng Kía không để cho Kía nhịn, nếu Kía không ăn thì Sùng cũng không thể ăn được, nếu Kía chết thì chồng Kía cũng chết theo. Con Sèn ngồi một góc ôm bát mèn mèn còn đầy nguyên, nghe bố nói với mẹ mà nước mắt ròng ròng. Khốn khổ quá, vậy là Kía đành phải để đứa bé lớn lên trong bụng mình.

Một đêm tối trời, mưa rả rích, Kía lên cơn đau bụng. Đứa bé sắp ra rồi, chồng Kía vẫn ngồi khoanh chân bên bếp uống rượu với thịt bò khô, hai gò má tái xanh, tóc rối bù. Ở trong buồng Kía không dám gọi chồng. Một nỗi sợ hãi cộng với tủi nhục, cộng với đau đớn tột cùng làm Kía không cất nổi tiếng gọi. Kía bám lấy mấy mép giường, nghiến răng, cong mình lên và rồi đứa bé trôi tuột ra khỏi bụng mẹ. Nó khóc váng lên. Trong lúc lơ mơ Kía chỉ nhận thấy ánh mắt lấp lánh của con Sèn bên ánh đèn dầu, còn chồng Kía đang ôm đứa bé, nhìn chăm chăm vào mặt nó.

Đó là một thằng bé trai có khuôn mặt sáng như ánh trăng. Kía nhìn con chim bé tí như quả ớt chỉ thiên của nó mà tối tăm mặt mày. Vậy là nỗi sợ hãi lớn nhất của Kía đã hiển hiện ngay trước mặt. Thằng bé sẽ là người đàn ông nối dõi của dòng họ Thào ở Lũng Pục. Chồng Kía vừa đào lỗ chôn nắm nhau của nó ở chân cột nhà chính vừa nói:

– Chỉ tại mày mà tí nữa tao mất vợ, phải ăn cho khỏe, lớn cho nhanh để thay tao làm trụ cột cái nhà này, đừng có để cho bố mẹ mày phải khổ vì mày nghe chưa.

Thằng bé như nghe được lời Sùng nói, tiếp tục khóc váng lên. Tiếng khóc của nó làm chấn động cả Lũng Pục, ánh đuốc lập loè từ mấy chục nóc nhà tỏa ra, người Lũng Pục ùa đến xem mặt thằng bé. Mừng quá, mừng cho nhà Sùng quá, người tốt như thế mà không có con trai nối dõi thì ông trời thật là không phải.

Cứ thế, thằng Chá lớn lên nhanh như thổi. Năm nó một tuổi, tròn trùng trục như một cái cối xay. Trong lễ mừng tuổi nó, Sùng đưa cho nó một cục sắt để sau này rèn dao đi nương. Như mọi đứa bé trai khác, thằng Chá đã được bố nó giao cho trọng trách làm chủ gia đình, và phải trở thành một thằng trai giỏi giang, thạo việc.

***

Đã lâu rồi, Sùng không làm cái việc của một người chồng với vợ. Thằng Chá đã lớn rồi, nó thôi không còn bú mẹ nữa, nhiều đêm nằm giữa một bên con, một bên chồng Kía thao thức không ngủ được. Cái mùi mồ hôi rất thân thuộc ở ngay bên cạnh, Kía chỉ mong được vùi mặt vào đấy mà hít hà cho thoả, nhưng Sùng luôn luôn ngủ rất nhanh và rất say. Sùng đã quên vợ rồi sao? Hay tại Kía bây giờ không còn được như trước nữa? Suốt thời gian mang thằng Chá trong bụng, sinh nó xong, Kía đã như một cái cây bị phơi khô, có phải vì thế mà Sùng không còn muốn gần gũi vợ nữa? Nhưng sâu thẳm nhất, sau mỗi lần trằn trọc vật vã, là một nỗi sợ hãi khôn tả. Nỗi sợ hãi nằm sẵn trong lòng Kía, thỉnh thoảng lại trỗi dậy.

Kía nằm nhích lại gần, xoay người khe khẽ, vòng tay ôm lấy cổ chồng. Sùng chưa ngủ, bằng chứng là hơi thở của Sùng dồn dập, lồng ngực Sùng dưới cánh tay Kía phập phồng. Kía phả một hơi thở thật nóng vào mặt Sùng, nhưng Sùng chỉ quay lại ôm lấy Kía, vỗ vỗ vào vai như dỗ trẻ con ngủ rồi thôi. Nằm trong vòng tay chồng một lúc lâu, tự dưng Kía thấy tủi thân quá, Kía chuồi ra, quay lại ôm lấy con, lặng lẽ khóc. Sau lưng Kía, Sùng thở dài thườn thượt. Tất cả những vồ vập, hồ hởi của Sùng trước đây giờ đã không còn bóng dáng. Chẳng lẽ… chẳng lẽ điều Kía lo sợ nhất, Sùng đã biết chuyện xảy ra trong nương ngô, lại là sự thật? Nghĩ đến đấy Kía bủn rủn chân tay. Không thể như thế này mãi được, Kía phải hỏi cho ra nhẽ, hoặc là Sùng cứ đuổi mẹ con Kía đi, hoặc là Sùng phải chửi rủa, phải đánh đập, chứ Sùng đừng như một cục đá thế này. Kía quay phắt lại, lay chồng:

– Bố nó ngủ chưa?

– Ngủ rồi. Có chuyện gì à?

– Ừ, có chuyện. Bố nó à…

– Gì thế?

– Có phải bố nó… bố nó… biết…

– Ầy dà, có chuyện gì mà ấp úng mãi thế, nói tuột ra xem nào.

Trong bóng tối Kía bấu chặt mấy ngón tay vào tấm chăn. Kía đang run bắn lên. Nếu như Sùng chưa biết thì sao? Có thể Sùng chưa biết lắm chứ, nếu không thì làm sao khi Kía sinh một đứa con không phải con đẻ của Sùng, Sùng lại yêu thương nó, nâng niu nó đến thế, mỗi khi thằng bé nghịch dại, người mắng nó, cầm roi vụt vào mông nó không phải Sùng mà là Kía. Nghĩ đến đấy, ý định hỏi cho rõ lại trôi tuột đi trong đầu Kía.

***

Thế là thằng Chá cứ lớn lên trong nỗi sợ hãi sâu thẳm của mẹ nó. Nó không hề biết điều đó, chỉ biết rằng nó được nuông chiều, và vì nó là thằng con trai nối dõi dòng họ nên vai trò của nó rất quan trọng, mỗi khi nó ốm đau thì cả họ cuống lên lo lắng, gà vịt lũ lượt theo nhau đến kêu inh tai dưới bếp. Nó chẳng biết làm gì hết. Việc nhà bố nó, mẹ nó, chị nó làm tất, nó chỉ việc mặc quần áo đẹp, cắp cây sáo vào nách và ngồi trên lưng con ngựa tía rong ruổi hết chợ này đến chợ khác. Và vì nó có một cái mặt rất đẹp, lại thổi sáo hay như dứt ruột người ta ra nên ở đâu đám con gái cũng vây quanh nó, đứa nào được nó liếc cho một cái thì mất ngủ mấy đêm liền.

Trước Tết, nó bảo sang Cao Mã Pờ chơi với mấy thằng bạn trai. Mẹ nó bảo:

– Tết đến nơi rồi, nhà nào cũng lắm việc, mày chơi với ai. Không đi đâu hết, mấy hôm nữa còn cùng bố mày sửa nhà.

Nó cãi:

– Đã hẹn chúng nó rồi, không đi không được.

Bà Kía nhìn thằng con trai câng mặt cãi lại, tức lộn ruột, định cho nó một cái tát thì ông Sùng ngăn lại:

– Để nó đi cũng được, sửa nhà có một tí thôi, bố với chị Sèn làm một lúc là xong. Ông Sùng quay sang Sèn:

– Sèn à, cho nó đi, nhỉ?

Sèn gật đầu. Vậy là thằng Chá nhảy tót ra cửa, chỉ một loáng tiếng lục lạc đeo trên bờm ngựa đã xa tít.

Nó đi chơi đến sáng mùng một tết mới về đến nhà, mặt gầy xọp đi, quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù, chân đi đất. Không thấy nó dắt ngựa theo, bà Kía hỏi, nó thản nhiên:

– Chơi bạc, gán cho chúng nó rồi.

Nói xong, chui lên gác ngô ngủ một mạch ba ngày liền. Nó không biết con ngựa ấy đối với bố nó quan trọng thế nào. Đấy là con ngựa mà người bạn thân nhất của ông Sùng đã để lại tặng ông trước khi chết. Một con ngựa tía đẹp hiếm thấy ở vùng núi đá này, chân dài, bụng thon, ức nở, bờm dài và lúc nào cũng mượt óng. Ông Sùng đã chăm bẵm con ngựa suốt mấy năm trời, cho đến khi thằng Chá lớn thì ông đã nhường cho nó. Con ngựa chỉ làm đẹp cho nó thôi, nhìn nó cưỡi trên lưng ngựa, cả hai lao như bay trên triền núi chênh vênh, đứa gái nào cũng mê tít. Vậy mà chỉ vì thua bạc, hết tiền, nó gán luôn con ngựa cho người ta.

Bà Kía leo lên gác gọi thằng Chá dậy, nó dúi đầu vào trong đống ngô dứt khoát không ra. Nó đã thức liền mấy đêm liền, giờ phải ngủ, không ngủ thì chết mất. Bà Kía cầm chân cố lôi nhưng nó cứ ì ra, đành hậm hực xuống nhà. Đúng lúc ấy thì ông Sùng đã đội mũ nồi, lấy thêm con dao nhọn còn nguyên trong bao da, cả cái đèn pin nữa, đi ra cửa. Bà Kía giật mình:

– Ông đi đâu đấy, đang Tết mà.

– Có một tí việc, tôi phải đi.

– Nhưng việc gì chứ?

– Ừm, đàn bà biết gì mà hỏi.

Ông Sùng đi hết đêm, đến sáng hôm sau thì về đến nhà, dắt theo con ngựa tía. Thằng Chá vẫn còn ngủ như chết trên gác ngô, bà Kía định leo lên lôi nó dậy nữa thì ông Sùng bảo:

– Kệ nó, để cho nó ngủ.

– Phải cho nó một trận mới được. Tức quá đi thôi, ai lại để bố già thế này phải đi chuộc ngựa cơ chứ.

– Thôi mà, đằng nào cũng lấy được ngựa về rồi.

– Phải đấy, làm sao ông lấy được ngựa? Mang tiền đi chuộc à?

– Làm gì có tiền. Có mỗi cái này thôi.

Ông Sùng chìa con dao nhọn ra. Bà Kía rùng mình:

– Ông… làm gì chúng nó?

– Chẳng làm gì cả, chỉ giơ cái này ra là chúng nó khắc phải trả. Nhưng chỉ dọa được một lần thôi, lần sau thì chắc chúng mang con ngựa đi bán luôn chứ không chờ mình đâu.

Thằng Chá nằm trong đống ngô nghe hết câu chuyện. Nó không dám dậy, biết ăn nói với bố thế nào, con ngựa quý thế mà loáng một cái nó gán luôn cho mấy thằng bên Cao Mã Pờ, như nó là bố thì có khi chặt chân thằng con trai rồi.

***

Bà Kía ốm. Thầy Sa man đến gọi hồn về, gọi mãi không được, thầy Sa man bảo:

– Chắc là phải để bà ấy theo tổ tiên thôi.

Thêm chuyện thằng Chá sang Cao Mã Pờ ăn ngủ ở nhà một đứa gái góa nữa, bà Kía càng không thể dậy được.

Ông Sùng ngồi bên cạnh vợ, tay nắm chặt tay vợ, râu tóc đã bạc trắng sau mấy đêm liền không ngủ. Ông hỏi rất khẽ:

– Có mệt lắm không?

Bà Kía hơi lắc đầu:

– Không mệt đâu, chỉ buồn ngủ thôi.

– Không được ngủ đâu, bà vợ à, không được ngủ đâu. Phải cố thức, nhé.

Bà Kía chớp mắt thay cho cái gật đầu. Bà cũng biết, mình không được ngủ, nếu mà ngủ thì sẽ không dậy nữa. Nghe giọng chồng như sắp khóc bà thấy thương chồng quá. Bà biết mình sắp đi theo tổ tiên rồi. Trước lúc đi nhất định bà sẽ nói sự thật cho ông Sùng biết. Phải nói cho ông ấy biết thì bà mới nhắm mắt được, sang bên kia mới dám nhìn mặt bố mẹ chồng. Nhất định bà sẽ nói.

– Đừng ngủ, bà vợ nhé. Không được ngủ đâu. Bà có dặn gì tôi, con Sèn với thằng Chá không?

Bà Kía nghe chồng hỏi, nhưng không trả lời, nắm nắm lấy mấy ngón tay khô khốc của chồng. Bên ngoài tiếng con Sèn rấm rứt khóc vọng vào.

Đêm đã khuya lắm, bà Kía vẫn chưa ngủ, không phải bà cố thức mà vì bà tiếc, bà không muốn ngủ chẳng ở được với chồng với con bao lâu nữa mà ngủ thì tiếc quá. Bà chỉ nhắm mắt nằm đấy thôi. Thằng Chá mấy hôm nay lại đi chơi rồi, không biết bao giờ mới về. Nhà chỉ có con Sèn với ông Sùng đi ra đi vào. Ông Sùng vén chăn lại cho vợ rồi bước ra ngoài. Con Sèn vẫn ngồi bên bếp tẽ ngô.

– Không ngủ à Sèn, để mai làm cũng được mà.

Sèn không trả lời, hỏi lại bố:

– Mẹ ngủ hay thức thế bố?

– Ngủ rồi. Thức mãi thì cũng phải ngủ chứ.

Ông Sùng lấy điếu cày, cho một cục thuốc lào to tướng vào nõ điếu, châm lửa hút liền mấy hơi, phả khói mù mịt:

– Sèn à, có chuyện này bố phải nói mới được.

Giọng Sèn chợt thảng thốt:

– Chuyện gì thế bố?

– Chuyện này… lâu lắm rồi, cũ lắm rồi, bố định không bao giờ nói cho con biết, nhưng giờ… mẹ sắp bỏ bố con mình để đi theo ông bà rồi, bố phải nói thôi…

– Bố à, có chuyện gì mà bố phải giấu lâu thế. Có chuyện gì mà con không biết?

– Sèn à, sau này, lúc con đi ấy chồng rồi, không biết bố như thế nào… ông Sùng thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa tối đen, ngoài đó từng đợt gió rét mướt đang thổi mấy cái vỏ ngô trên sân đá lạt sạt. Sèn nhìn ông hoang mang.

– Sèn à, thằng Chá ấy, thằng Chá em con ấy, nó không phải là con đẻ của bố. Con biết không? Nó không phải là con đẻ của bố đâu, thật đấy. Giờ mẹ sắp đi rồi, bố định hỏi xem mẹ có muốn cho nó đi nhận bố đẻ không. Cả con nữa, con có muốn thế không? Con là con gái lớn, bố để con quyết định đấy. Có nên hỏi mẹ con không hở Sèn?

Mọi dồn nén của bao nhiêu năm đã phút chốc vỡ vụn ra làm Sèn bải hoải, rụng rời. Mười bảy năm nay lúc nào Sèn cũng nơm nớp lo một ngày bố biết sự thật, bố sẽ giết chết mẹ, giết chết thằng Chá mất. Cũng chỉ vì thế mà Sèn không dám đi lấy chồng. Sèn sợ mình đi lấy chồng rồi thì không còn ai bênh mẹ, bênh em. Thằng Chá ấy, cho dù nó mất nết, cho dù nó là một thằng trai hư hỏng thì nó cũng là em của Sèn, là ruột thịt của Sèn. Mỗi khi thằng Chá làm sai việc gì Sèn lại nhăm nhăm bênh nó. Sèn chỉ sợ bố hắt hủi nó thì mẹ lại tủi thân. Cái buổi chiều ngoài nướng ngô năm nào ám ảnh Sèn cho đến giờ, Sèn không tin vào người đàn ông nào hết ngoài bố Sèn ra, nhưng ngay cả bố, Sèn cũng không dám nghĩ rằng bố chịu đựng được. Sèn gục đầu vào vai bố khóc nức lên:

– Bố à, bố ơi.

Sèn chỉ kêu được thế. Bố Sèn đang bấu chặt mấy ngón tay gầy guộc vào vai Sèn, như thể Sèn là chỗ nương tựa cuối cùng trước khi bố như một con ngựa dũng mãnh ngã xuống vực sâu.

Trong lúc ấy, ở trong buồng, bà Kìa lặng lẽ kéo chăn lên ngang mặt, nhắm chặt mắt và thở thật chậm. Gió vẫn đang rít lên bên ngoài, những mảnh vỏ ngô bị cuốn lên, đập cả vào tường nhà lẹt xẹt…

Tác giả: Đỗ Bích Thủy – Giọng đọc: Vân Anh

Thu Gọn Nội Dung

Audiobooks trướcOan hồn người vợ trẻ
Audiobooks tiếp theoBóng đổ nhà mồ
Lưu Ý: Thông tin về những phát thanh viên của vov bạn thấy trên website chỉ là thông tin do chúng tôi thu thập được. Những Phát thanh viên, Nghệ sĩ trên "KHÔNG" công tác, làm việc và viết bài trên website RadioPlus.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here